Sau hai năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, tại nhiều bệnh viện tuyến dưới đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên đã giảm và đặc biệt, người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ở ngay tuyến dưới mà không phải mất công ”lặn lội” xuống tận tuyến trung ương
Bộ Y tế hiện đã thiết lập được mạng lưới bệnh viện hạt nhân-vệ tinh gồm 14 bệnh viện hạt nhân là bệnh viện Trung ương và tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 46 bệnh viện vệ tinh thuộc 38 tỉnh, thành phố. Bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi.
Một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là bệnh viện đa khoa tỉnh của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…
Tại khu vực phía Bắc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai chuyên ngành tim mạch. Bệnh viện có quy mô 1.350 giường, là một trong những bệnh viện đã thực hiện được khá nhiều kỹ thuật khó từ khi đề án bệnh viện vệ tinh được triển khai tại đây.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, năm 2005, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Y tế phê duyệt là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đến nay, sau 10 năm được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, các bác sỹ của bệnh viện đã làm chủ được các kỹ thuật cao như gây mê hồi sức, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật u não, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu, nội soi chẩn đoán, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, ghép da…
Năm 2013, Bệnh viện tiếp tục được Bộ Y tế phê duyệt là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai, đến nay Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã thực hiện tốt các kỹ thuật của chuyên khoa ung bướu như: xạ trị, hóa trị, phẫu trị, chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh.. và các kỹ thuật của chuyên ngành tim mạch như: nội tim mạch, cấp cứu tim mạch, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở...
Theo thống kê của Bộ Y tế, với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt, 37% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ. Chẳng hạn như Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca, năm 2014 còn 12 ca, giảm chuyển tuyến 88%.
Theo bác sỹ Hoàng Văn Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, về vấn đề cấp cứu bệnh nhân tim mạch, trước khi tham gia chương trình bệnh viện vệ tinh, kỹ thuật của các bác sỹ bệnh viện còn hạn chế, vì vậy việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, đa phần bệnh nhân nặng liên quan tới bệnh tim mạch đều phải chuyển viện về các bệnh viện tại Hà Nội.
”Sau khi bệnh viện trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, các kỹ thuật liên quan tới tim mạch được các bác sỹ tuyến trên chuyển giao, tận tình hướng dẫn, đến nay nhiều kỹ thuật liên quan đến tim mạch, ung bướu, các bác sỹ của bệnh viện tỉnh đã đảm nhận được. Về chấn thương: trước khi được chuyển giao, các trường hợp chấn thương mạch máu, chấn thương cột sống cổ, vỡ động mạch lớn... trong cấp cứu phần lớn phải chuyển viện. Đến nay, sau khi tham gia vào bệnh viện vệ tinh bệnh viện đã làm được. Bệnh viện không còn tình trạng chuyển các bệnh nhân tim mạch nhẹ về tuyến trung ương nữa,” bác sỹ Hiếu phấn khởi.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc phân tích, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, ở chuyên ngành ngoại khoa, số lượt người bệnh được chuyển về tuyến Trung ương đã giảm rõ rệt, năm 2005 tỷ lệ chuyển tuyến là 25%, đến năm 2014 giảm còn 0,9%; Chuyên ngành ung bướu số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại bệnh viện tăng cao, năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 là 5.535 ca; Chuyên ngành tim mạch tỷ lệ chuyển tuyến năm 2010 là 35% đến năm 2014 tỷ lệ chuyển tuyến còn 0,8%...
Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.
Mục tiêu cuả Đề án nhằm Đề án nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ của tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2016 tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh.
Sau hơn hai năm thực hiện Đề án (2013 – 2015), cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh, bước đầu đã thu được một số kết quả đáng khích lệ: Chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; Chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; Chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; Chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật; Chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật.