Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá?

Bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD tiền thuốc và 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập, chủ yếu giá cao. Thực tế trên thị trường, giá thuốc vẫn nơi thấp, nơi cao.
Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá? ảnh 1Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, thuốc do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội, trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật Dược sửa đổi cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh để tránh gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao.”

[Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện Trung ương]

Như chúng ta đã thấy, giá thuốc có sự khác nhau ở nhiều nơi và nhiều loại biệt dược với giá “trên trời,” liệu có được điều trị đúng người, đúng bệnh hay vẫn còn những kẽ hở để người bệnh bị “móc túi”?

Dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được trình Quốc hội để thông qua trong thời gian tới lại một lần nữa “xới” lên câu chuyện về giá thuốc, trong đó có nhiều thay đổi được kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt hơn giá biệt dược và điều này đi vào thực tế liệu có trở thành hiện thực hay vẫn chỉ là kiểm soát ở khâu chính sách, chiến lược?

Luật dược sửa đổi: Minh bạch quản lý giá thuốc

Thực tế cho thấy, dù đã qua 10 năm thi hành Luật dược, nhưng thị trường thuốc trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp dược nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc sử dụng trong nước là thuốc ngoại.

Đáng lưu ý, theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, năm 2014, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD tiền thuốc và 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập (chủ yếu giá cao). Và thực tế trên thị trường dược phẩm hiện nay vẫn tồn tại tình trạng giá thuốc nơi cao, nơi thấp.

Theo Tờ trình về Dự án Luật dược sửa đổi của Chính phủ, sau 10 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật dược không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi. Luật chưa quy định chính sách tạo động lực cho việc phát triển công nghiệp dược như bảo đảm đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước, phát triển dược liệu, sản xuất vắcxin, sinh phẩm…

Bất cập đó dẫn đến tình trạng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân. Bên cạnh đó, một loạt bất cập trong quản lý nhà nước về giá thuốc cũng được các đại biểu quốc hội chỉ rõ, nhất là tình trạng không minh bạch về giá.

Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá? ảnh 2Hiện nay, các doanh nghiệp dược trong nước nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai Luật dược 2005 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi.

[Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?]

Người đứng đầu ngành y tế dẫn chứng như: Về quản lý giá thuốc, Luật Dược chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành trong quản lý giá thuốc nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch, trong khi quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành.

Theo đại diện Bộ Y tế, xuất phát từ các lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật dược sửa đổi là hết sức cần thiết. Việc xây dựng Dự án Luật Dược sửa đổi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý.

Giá thuốc: Vẫn chỉ là hy vọng!

Về Luật Dược sửa đổi, theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Ủy ban thấy rằng dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.

Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.

Trong Luật Dược sửa đổi, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh thậm chí có những đơn thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.

Về cơ quan quản lý giá, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và Luật Giá.

Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, trong Luật Dược sửa đổi, thay vì theo luật phải kê khai niêm yết giá mà mặt bằng giá ngang với các nước có cùng trình độ y tế, kinh tế tương đương - điều này không khả thi - thì ngành y tế phải tuân theo hai hình thức là theo thị trường và quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách cấp.

Như vậy, với Luật Dược sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục được cơ bản việc chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, sẽ không có tình trạng kê khai giá một cách cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ chất lượng và giá cả chấp nhận được và cũng phù hợp với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.

Đàm phán giá thuốc: Triển khai sẽ vất vả

Theo Bộ Y tế, để hạn chế tình trạng thuốc biệt dược gốc độc quyền tăng giá, dự thảo Luật đã quy định việc mua sắm các thuốc biệt dược gốc phải thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu. Theo đó, đối với các thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường sẽ được áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia.

Đây là phương thức mới được bổ sung tại Luật Đấu thầu 2013, phương thức này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm quản lý giá của các thuốc biệt dược, thuốc có ít nhà cung cấp trên thị trường. Theo đó, việc đàm phán giá được áp dụng đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.

Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá? ảnh 3Những loại thuốc có giá tới vài chục triệu đồng trong bảng giá thuốc tại một bệnh viện trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đàm phán giá sẽ được thực hiện ở cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán giá quốc gia thực hiện. Việc áp dụng cơ chế đàm phán giá sẽ đảm bảo sự thống nhất về giá của các thuốc biệt dược, đồng thời qua quá trình đàm phán sẽ đảm bảo mức giá hợp lý trên cơ sở so sánh, đánh giá với các nước trên thế giới và các chi phí liên quan.

Ngoài ra, dự thảo Luật dược đã bổ sung thêm các giải pháp nhằm tăng sự cạnh tranh để giảm giá thuốc biệt dược: cho phép nộp hồ sơ đăng ký sớm trước khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền tại khoản 5 Điều 7; ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đầu tư sản xuất các thuốc biệt dược gốc mới hết hạn bằng sáng chế.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, thuốc biệt dược là thuốc bản quyền của nhà sản xuất vì vậy phải tuân theo giá của nhà sản xuất và nhà nước có chính sách đàm phán giá. Chẳng hạn như có một loại thuốc vào Việt Nam chỉ qua 1,2 nhà phân phối thì nhà nước sẽ đàm phán giá với nhà cung cấp đó. Khi họ bán ở thị trường Việt Nam cần phải bán ở mức giá hợp lý thì người dân sẽ ủng hộ và có nhiều người mua, mức giá cao thì sẽ có ít người mua.

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn chứng, một số thuốc chữa ung thư, viêm gan rất đắt tiền mà chỉ có 1-2 nhà cung cấp, Việt Nam không cho họ nhập thì không có thuốc nào thay thế và thiệt thòi vẫn là người dân. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của ngành y tế là phải tổ chức đàm phán với người cung cấp về việc họ bán vào thị trường Việt Nam và “soi chiếu” xem họ bán vào các nước là bao nhiêu, từ đó tiến hành đàm phán giá cho người dân bớt thiệt thòi.

Ông Tiên nhấn mạnh: “Hiện nay luật pháp mới quy định như vậy còn chưa thực hiện được trường hợp nào. Công tác triển khai sẽ vất vả bởi đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai, khó thì không phải là khó, nhưng mới làm phải học tập kinh nghiệm cho bớt sai, chứ nhanh ẩu đoảng quá thì cũng không được. Sang năm triển khai thực hiện đầm phán giá và đấu thầu tập trung, đàm phán giá ít, khoảng 10-15 loại biệt dược và chắc chắn việc đàm phán giá sẽ đi vào hiệu quả.”

Bài 4: “Bệnh nhân nghèo, mà vẫn chỉ định dùng biệt dược gốc là tội ác”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục