Bình Định có nguy cơ chậm bàn giao "mặt bằng sạch" cho Cao tốc Bắc-Nam

Toàn tỉnh Bình Định có 39 khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc, tuy nhiên đến nay chỉ mới có 29 khu tái định cư được triển khai, 10 khu tái định cư còn lại đang chờ thực hiện thẩm định các báo cáo.
Bình Định có nguy cơ chậm bàn giao "mặt bằng sạch" cho Cao tốc Bắc-Nam ảnh 1Thi công một dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 tới, các địa phương trong tỉnh Bình Định phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khu tái định cư phục vụ dự án chưa được triển khai thi công với nguyên nhân chính là thiếu vật liệu đất đắp.

Toàn tỉnh có 39 khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có 29 khu tái định cư được triển khai, 10 khu tái định cư còn lại đang chờ thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công.

Việc chậm trễ là do vướng quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký khai thác vật liệu đất đắp theo quy định.

Ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ, cho hay địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi tìm mỏ đất phục vụ thi công các khu tái định cư bởi thủ tục cấp phép được thực hiện theo quy định chứ không có cơ chế đặc thù như tuyến chính của cao tốc. Vì vậy, thời gian hoàn thiện thủ tục rất chậm.

[Ưu tiên phân bổ nguồn vật liệu cát cho hai dự án của  Cao tốc Bắc-Nam]

Tại thị xã Hoài Nhơn, việc thi công 12 khu tái định cư hiện không đạt tiến độ. Theo ghi nhận của phóng viên, đơn vị thi công mới chỉ thực hiện bóc phong hóa vì thiếu đất đắp san nền, làm đường. Người dân thuộc diện "giải tỏa trắng" đang rất khó khăn về chỗ ở.

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hoài Nhơn, thông tin theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thì việc khai thác mỏ đất phục vụ thi công khu tái định cư phải theo mỏ đất thông thường, quy trình ít nhất phải mất một năm.

Nếu vậy, địa phương rất khó hoàn thành đúng hạn như chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu, có hướng rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ cấp mỏ đất để công tác này thuận lợi hơn trong thời gian đến.

Được biết, trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tập trung làm việc cụ thể với từng địa phương, tháo gỡ nút thắt về mỏ vật liệu. Bởi, thiếu vật liệu san lấp các khu tái định cư sẽ là điểm nghẽn gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục