Ngày 25/7, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã khảo sát để thành lập Trung tâm xét nghiệm tại thị xã Bến Cát phục vụ nhu cầu cho thị xã và 4 huyện phía Bắc của tỉnh.
Hiện tại, Trung tâm xét nghiệm đã thực hiện chạy thử xét nghiệm và các thủ tục sẽ hoàn tất vào ngày 26/7.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ kết hợp với các ban, ngành sẽ khảo sát, đầu tư mở rộng thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000-100.000 giường; bổ sung các khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường, và nâng lên 15.000-20.000 giường để đáp ứng tình hình diễn biến dịch có thể xấu hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngày 25/7, tỉnh ghi nhận 1.064 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó, có 324 trường hợp phát hiện tại cơ sở y tế, 484 trường hợp phát hiện trong khu cách ly, 135 trường hợp trong khu phong tỏa và 121 trường hợp qua sàng lọc cộng đồng. 201 bệnh nhân khỏi bệnh và 16 trường hợp tử vong.
Bình Dương ghi nhận tổng số ca mắc từ đợt dịch thứ 4 lên đến 8.010 ca mắc COVID-19; 589 bệnh nhân khỏi bệnh; 38 bệnh nhân tử vong.
Ngành y tế nhận định, số ca mắc tập trung ở các địa phương Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, Thủ Dầu Một. Trong những ngày gần đây, số ca mắc tăng ở huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.
Bình Dương đã triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng bằng test nhanh và test RT-PCR tại tất các địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh có 12 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 3.882 bệnh nhân đang điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời).
Trong đó, có 72 phụ nữ mang thai, 44 người trên 65 tuổi, 150 người có bệnh lý nền, 95 người có diễn biến nặng. Nhân lực trực tiếp phục vụ có 120 bác sỹ, 295 điều dưỡng; cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người (tổng cộng: 581 người), sử dụng 36 máy thở.
[Dịch COVID-19: Bình Dương khẩn trương xét nghiệm 1,8 triệu dân]
Hiện nay,10 tỉnh, đơn vị đã chi viện nhân lực cho Bình Dương; cùng 109 y, bác sỹ của các đơn vị ngoài công lập thuộc tỉnh với tổng số người tham gia phòng, chống dịch là 1.034 người.
Việc tiêm vaccine được thực hiện theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu trực tiếp làm nhiệm vụ, người lao động tại các nhà máy sản xuất thiết bị y tế, oxy. Hầu hết nhân viên của các công ty cung cấp oxy đã được tiêm vắc xin. Đội xe phản ứng nhanh bố trí tại các xã, phường cũng được tiêm trong ngày hôm nay.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ y tế hỗ trợ chi viện về nhân lực y bác sỹ và một số trang thiết bị đặc thù để phục vụ điều trị trong các tầng dịch COVID-19. Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khác trong công tác điều trị dịch bệnh khi tình hình tại tỉnh đã ổn định.
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã đi khảo sát nơi đặt Bệnh viện dã chiến số 2 là hai khu nhà xưởng trong Khu Công nghiệp Thới Hòa (Bến Cát). Công suất của bệnh viện dự kiến lên tới 6.000 giường bệnh, trong đó có 200-300 giường hỗ trợ máy thở với 250 nhân sự là y, bác sĩ và đội ngũ hậu cần hỗ trợ.
Hiện, Bình Dương đã có một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại WTC Expo Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.500 giường, được thành lập theo kế hoạch của Tổng công ty Becamex IDC nhằm ứng phó trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tại địa phương.
Tối 25/7, tại buổi họp báo trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang, bác sỹ Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết đã yêu cầu huyện Vị Thủy di chuyển bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện này, để xây dựng toàn bộ Trung tâm y tế thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo kế hoạch, Trung tâm y tế sau khi chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến sẽ tiếp nhận, điều trị khoảng 240 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hiện nay, một phần của Trung tâm y tế này đã đưa vào làm bệnh viện dã chiến đang điều trị cho 42 bệnh nhân COVID-19 của tỉnh.
Theo bác sỹ Trương Văn Khanh, đến ngày 25/7, Hậu Giang có 103 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Toàn tỉnh đã có 22 vùng đang cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19.
Trên địa bàn tỉnh các trường hợp F1 xuất ngày một nhiều, đã có hơn 2.000 trường hợp F1 cách ly tập trung. Tỉnh đang lên phương án xây dựng thêm các khu cách ly tập trung cho khoảng 10.000 người đến 12.000 người. Trường hợp xấu nhất sẽ thí điểm cách ly trường hợp F1 tại nhà với điều kiện gia đình đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất, cam kết thực hiện cách ly đúng quy định, đồng thời địa phương giám sát chặt chẽ đối tượng.
Tỉnh Hậu Giang hiện đang điều trị 86 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 huyện Vị Thủy. Hiện có 5 ca bệnh nặng, 1 ca phải thở máy, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.
Cũng trong ngày 25/7, để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Hậu Giang yêu cầu bắt đầu từ ngày mai (26/7) các trường hợp có nhà xa (quãng đường từ nhà đến cơ quan trên 5km đối với cấp tỉnh, 4km đối với cấp huyện và 3km đối với cấp xã) thì cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà hoặc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ lại tại cơ quan; trừ lực lượng làm nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị và báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh.
Lãnh đạo cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mắc COVID-19 do không chấp hành việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, Hậu Giang cũng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục giảm tối đa người làm việc tại cơ quan, chỉ còn từ 30% đến 40% số người làm việc tại cơ quan, đơn vị trong thời gian tới. Giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường tổ chức họp trực tuyến và hạn chế các cuộc họp không cần thiết,…
Ngày 25/7/2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh ký quyết định về việc chuyển Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thành Bệnh viện dã chiến số 3 thực hiện thu dung, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động Bệnh viện dã chiến số 3 trên cơ sở sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực hiện có của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và bổ sung để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh COVID-19.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, từ 0 giờ ngày 26/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành sẽ bắt đầu thực hiện thu dung, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trước đó, ngày 23/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã quyết định chuyển Bệnh viện Quân dân y thành Bệnh viện dã chiến số 2. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3 bệnh viện dã chiến, có thể điều trị khoảng 230 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến chiều 25/7, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 156 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó 27 ca nhập cảnh, 129 trường hợp phát hiện trong cộng đồng. Trong số này, Bệnh viện dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và phổi tỉnh Trà Vinh) đã điều trị 19 trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh, có 2 trường hợp tử vong./.