Bộ Giao thông nói gì về việc nhà đầu tư “dọa” đóng cầu Hạc Trì?

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì- đơn vị thu phí cầu Hạc Trì không được phép tự ý dừng thu phí.
Bộ Giao thông nói gì về việc nhà đầu tư “dọa” đóng cầu Hạc Trì? ảnh 1Trạm thu phí trên cầu Hạc Trì. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Liên quan đến việc Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì-nhà đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) tại tỉnh Phú Thọ “dọa” đóng cầu Hạc Trì vì không được bảo vệ lợi ích, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị thu phí cầu Hạc Trì không được phép tự ý dừng thu phí.

Theo ông Huyện, việc kiến nghị của đơn vị thu phí sẽ do Bộ Giao thông Vận tải cùng các Bộ ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng cục Đường bộ là sau khi có kết luận của Hội đồng Khoa học công nghệ về cầu Việt Trì cũ thì đơn vị sẽ có phương án sửa chữa cầu cũ để cho xe ôtô từ 7 chỗ chở xuống lưu thông bình thường. Sau 10 ngày giám sát sẽ đưa ra kiến nghị lại phương án tài chính cho cầu Hạc Trì.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cầu Việt Trì cũ, sau đó sẽ lên phương án tổ chức giao thông qua cầu Việt Trì và Hạc Trì.

[Phó Thủ tướng yêu cầu tính lại giá phí lưu thông qua cầu Hạc Trì]

“Sau khi khảo sát và đánh giá năng lực khai thác của cầu Việt Trì có thể tính tới phương án hạn chế phương tiện trên 7 chỗ qua cầu, chỉ cho phép lưu thông qua cầu Việt Trì đối với xe từ 7 chỗ trở xuống đồng thời có thể sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bằng biện pháp kéo dài thời gian thu phí hoặc Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhằm đảm bảo phương án tài chính và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Trước đó, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì đã có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Giao thông Vận tải xin dừng hoạt động cầu Hạc Trì bắc qua Sông Lô sau 15 ngày tới nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Lý do mà đơn vị này đưa ra là từ 1/8, người dân đã phá vỡ ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ nên đại đa số phương tiện lưu thông qua cầu này để được miễn phí thay vì đi cầu Hạc Trì. Trong khi, cầu Việt Trì cũ được xác định là xuống cấp nghiêm trọng, đã cắm biển cấm xe cơ giới song cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ không có biện pháp ngăn chặn xe đi lên.

“Đặc biệt, các biển báo cấm xe lưu thông qua cầu Việt Trì cũ cũng nhiều lần bị nhóm đối tượng này đập phá, tháo dỡ,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì nêu rõ.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/8, khi dỡ bỏ ụ nổi phân luồng, đại đa số xe ôtô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, và doanh thu thu phí sụt giảm.

Cụ thể, tại thời điểm tính toán, doanh thu thu phí cầu Hạc Trì năm 2016 theo phương án đã được phê duyệt phải đạt 138 tỷ/năm (tương đương 11,5 tỷ/tháng) nhưng thực tế thu phí hiện nay chỉ đạt 7-8 tỷ/tháng.

“Với doanh thu này thì không đủ lương cho người lao động địa phương, trả lãi ngân hàng và chi phí quản lý, khai thác cầu chứ chưa nói gì đến việc thu hồi vốn đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian thì công ty và các cổ đông của công ty có thể sẽ bị phá sản. Kéo theo hàng trăm người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì nhấn mạnh.

Với sự an toàn khi tham gia giao thông của nhân dân, vì quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì kiến nghị các cấp lãnh đạo có các phương án và hình thức phù hợp để cấm triệt để việc các phương tiện ôtô lưu thông trên cầu Việt Trì cũ; trả lại nguyên hiện trạng (ụ nổi, rào chắn) là hệ thống kỹ thuật phân luồng giao thông tại cầu Việt Trì cũ, đảm bảo thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án đối với nhà đầu tư đồng thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo trợ an ninh trật tự đảm bảo an toàn tài sản tính mạng cán bộ công nhân viên công ty.

“Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, trong đó hệ lụy đến hàng trăm người lao động địa phương, đối tác, nhà thầu, ngân hàng thì công ty xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì khẳng định./.

Cầu Hạc Trì chính thức được nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì thu phí phương tiện từ ngày 7/12/2015 và được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo phân luồng giao thông bằng cách cấm xe ôtô lưu thông qua cầu Việt Trì.

Tuy nhiên, một số lượng lớn xe ôtô không chấp hành lệnh cấm, vẫn cố tình lưu thông qua cầu Việt Trì. Đặc biệt, những hộ dân có ôtô tại phường Bạch Hạc và vùng lân cận đã phản ứng và ngăn cản việc thu phí cầu Hạc Trì vì cho rằng họ đi lại nhiều trên đoạn đường này, mức phí BOT quá cao (thấp nhất là 35.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi, cao nhất là 180.000 đồng/lượt/xe tải từ 18 tấn trở lên) và quãng đường xa thêm tới 8km so với qua cầu Việt Trì cũ để vào trung tâm thành phố Việt Trì.

Dự án cầu Hạc Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng trong đó, chi phí xây dựng là 1.104 tỷ đồng. Công trình có tốc độ thiết kế 80km/giờ. Chiều rộng nền đường 24m, thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục