Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có quyết định thanh tra 4 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Theo quyết định, đoàn thanh tra do Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Trần Bảo Ngọc làm trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật của các nhà đầu tư trong thực hiện 4 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hô Chí Minh.
Cụ thể, đoạn Km921+025-Km962+331 Quốc lộ 14 (từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài), tỉnh Bình Phước do Công ty cô phần Đức Thành Gia Lai là nhà đầu tư.
Đoạn Km1793+600-Km1824+00, tỉnh Đắk Nông do liên danh Công ty cồ phần đầu tư xây dựng Toàn Mỹ 14 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương là nhà đầu tư.
Đoạn Km 1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk do Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty cổ phần thủy điện Sê San 4A là nhà đầu tư.
Đoạn Km 1610-Km 1667+570 (Cầu 110) Pleiku, tỉnh Gia Lai do Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư.
Thời gian thanh tra tại mỗi dự án không quá 30 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) từ Đắk Giôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước dài khoảng 663km, đi qua 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Đoạn từ Đắk Giôn đến Tân cảnh (Kon Tum) có chiều dài 110km, được đầu tư trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 đến năm 2007).
Đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553km, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2, trong đó, khoảng 134km các đoạn qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với thành phố Pleiku (Gia Lai) được triển khai từ cuối năm 2007 và hoàn thành vào cuối năm 2013.
Dự án còn lại 419km chia làm 11 dự án thành phần, được đầu tư trong giai đoạn 2013-2015.
Vào ngày 11/7 vừa qua, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước đã được khánh thành và thông xe toàn dự án.
Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư, trong đó, có 6 dự án vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng chiều dài 212km, có tổng mức vốn đầu tư 7.080 tỷ đồng.
Năm dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BOT, tổng chiều dài xây dựng là 207 km, với tổng mức vốn đầu tư 5.994 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (Quốc lộ 14) và mở rộng 2 bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn…
Như vậy, sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng về đích trước tiến độ 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và Tây Nguyên, Bình Phước nói riêng./.