Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 17.200 tỷ đồng trong sáu tháng

Các đơn vị trong ngành giao thông đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5-7%.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đến hết tháng 6/2022, các đơn vị trực thuộc bộ đã giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải sáng 28/6, theo ông Huy, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng, bao gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, bộ đã phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài và 40.466 (89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

Đánh giá công tác giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên của năm nay, ông Huy cho rằng từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị ngành giao thông đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5-7%.

[Giải ngân vốn đầu tư công để phát huy được hiệu quả đồng vốn]

Đưa ra con số khối lượng giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn với khoảng 33.100 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị của ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất…

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án đang thực hiện. Đối với các dự án khởi công mới, có dự kiến sử dụng kế hoạch vốn năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các đơn vị căn cứ tiến độ hoàn thiện thủ tục và kết quả rà soát lại nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022 để đề xuất điều hòa, điều chỉnh lại từ kế hoạch năm đã giao cho các dự án khác của đơn vị./.

Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công 38 dự án và hoàn thành 30 dự án. Trong sáu tháng đầu năm nay, 6 dự án đã được hoàn thành thủ tục được khởi công và 6 dự án được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Đối với 32 dự án dự kiến khởi công trong sáu tháng cuối năm, tính đến hết tháng 6/2022 đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt 25/32 dự án (bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc-Nam).

7 dự án còn lại chưa phê duyệt dự án đầu tư gồm dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh; dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang; dự án Quốc lộ 6 tuyến tránh thành phố Hòa Bình; Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên-Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn; dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục