Thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh để thúc đẩy tiến độ hai dự án trọng điểm cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, đặc biệt, nhiều nhà thầu bị cảnh cáo, cắt khối lượng, thậm chí bị thay thế do năng lực yếu.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường xung quanh vấn đề này.
- Theo dự kiến, hai dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ thông xe toàn tuyến. Ông có thể cho biết để các dự án này về đích đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện những biện pháp gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói, Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm đến tiến độ của hai dự án trọng điểm quốc gia là nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 và đầu tư mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo tiến độ của các dự án này, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt chú ý đến chất lượng của dự án. Chính vì vậy, ngoài chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước như Ban quản lý, tư vấn giám sát, Bộ Giao thông Vận tải luôn quan tâm đến hoạt động của các nhà thầu. Khi các nhà thầu được giao nhiệm vụ thì phải tiến hành tổ chức thi công theo đúng quy định.
Một số nhà thầu trong thời gian vừa qua đã dùng các nhà thầu phụ mà không được sự chấp thuận của Ban quản lý dự án và Bộ Giao thông Vận tải. Qua giám sát, Bộ đã phát hiện ra một số nhà thầu có năng lực, thiết bị thi công yếu kém nên kiên quyết thay thế và thậm chí là thay thế cả nhà thầu chính.
Trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ra hai quyết định để thay thế hai nhà thầu thi công đường Hồ Chí Minh, qua đó đánh động các nhà thầu khác nếu có các sai phạm thì phải tích cực sửa chữa nếu không sẽ bị xử lý tiếp theo.
Với cách làm như vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ luôn luôn kiểm tra được tiến độ và chất lượng của các dự án Quốc lộ 1 và dự án đường Hồ Chí Minh.
- Vậy trên Quốc lộ 1, đến thời điểm này, Bộ đã xử lý nhà thầu nào chưa, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đối với Quốc lộ 1, do tính chất gói thầu khá lớn, các nhà thầu phụ đều được đăng ký ngay từ đầu. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện một số nhà thầu phụ yếu kém nên Bộ đã yêu cầu nhà thầu chính phải thay thế.
Trên thực tế, nhà thầu chính đã chủ động thay thế các nhà thầu phụ. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét một số nhà thầu phụ và cả nhà thầu chính nếu trong thời gian tới không có chuyển biến tích cực sẽ bị Bộ Giao thông Vận tải thay thế.
Các nhà thầu bị thay thế đều đã được Bộ Giao thông Vận tải nhắc nhở trước về khối lượng và việc giải ngân hàng tháng. Qua một kỳ, thậm chí hai kỳ như vậy, nếu tốc độ triển khai dự án tại hiện trường, tốc độ giải ngân không đạt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ra quyết định cảnh cáo. Sau khi có quyết định cảnh cáo mà không thấy tiến bộ, Bộ Giao thông Vận tải mới quyết định thay thế. Với quy trình như vậy, bản thân các nhà thầu bị thay thế đều tâm phục khẩu phục.
Nếu phát hiện có tình trạng bán thầu, Bộ Giao thông Vận tải sẽ mời các cơ quan chức năng vào cuộc để giúp Bộ ngăn chặn ngay từ đầu hiện tượng bán thầu.
- Vậy trước khi khởi công một dự án, Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án có kiểm soát được "sức khỏe"của các nhà thầu không?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi ngay từ khi xem xét năng lực nhà thầu, hồ sơ năng lực nhà thầu rất tốt. Các nhà thầu đều đăng ký có đội ngũ kỹ thuật, năng lực thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại hiện trường, các nhà thầu không đáp ứng được điều đó.
Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà thầu phải bổ sung đội ngũ kỹ sư, cán bộ cũng như toàn bộ thiết bị máy móc, đặc biệt nhà thầu phải có ngân hàng cam kết cho vay trong quá trình thực hiện dự án.
Qua đánh giá nhiều nhà thầu không đáp ứng được vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết xử lý, đặc biệt trong thời gian vừa qua, đã kiên quyết để loại bỏ những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu./.
- Xin cảm ơn ông!