Bộ Giao thông Vận tải nới mức phí tối đa BOT qua hầm đường bộ

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 60/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng hầm đường bộ và có hiệu lực từ ngày 3/2/2019.
Bộ Giao thông Vận tải nới mức phí tối đa BOT qua hầm đường bộ ảnh 1Phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 60/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng hầm đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ này quản lý, trong đó nới trần mức phí sử dụng hầm đường bộ tối đa.

Có hiệu lực từ ngày 3/2/2019, Thông tư quy định xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức giá tối đa 110.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức giá tối đa 160.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức giá tối đa 200.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet có mức giá tối đa 210.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet có mức giá tối đa 280.000 đồng/vé/lượt.

Hiện nay, mức giá tối đa cho dịch vụ đường bộ theo lượt đã quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT áp dụng cho tất cả các dự án bao gồm công trình đường, cầu, hầm trong đó quy định biểu giá tối đa áp dụng chung cho cả dự án đường quốc lộ, cầu và hầm đường bộ theo lượt đối với xe nhóm 1 (52.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 2 (70.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 3 (87.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 4 (140.000 đồng/vé/lượt) và xe nhóm 5 (200.000 đồng/vé/lượt).

Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía Bộ Giao thông Vận tải, các dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ có chi phí đầu tư lớn hơn, quy trình vận hành, khai thác phức tạp, chi phí vận hành lớn hơn nhiều so với dự án xây dựng cầu, đường bộ do đó cần thiết phải bổ sung mức giá tối đa cho dịch vụ hầm đường bộ.

[Chủ đầu tư lo nguy cơ gián đoạt hoạt động các hầm Đèo Cả, Hải Vân]

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, do Thông tư 35 khống chế trần giá vé tối đa nên dự án hầm Đèo Cả không thể điều chỉnh áp dụng mức giá theo hợp đồng BOT từ 1/1/2018, khiến dự án thua lỗ.

“Tính toán thực tế cho thấy, từ ngày 1/1-1/10/2018, dự án lỗ khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng,” ông Thủy tiết lộ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Thông tư 60/2018 của Bộ Giao thông Vận tải chỉ đưa ra khung giá chung cho các công trình hầm, còn đối với từng dự án cụ thể sẽ có mức giá khác nhau nhưng không được vượt quá khung giá theo quy định.

“Nguyên tắc là không thể để nhà đầu tư quyết định, muốn đưa ra giá vé bao nhiêu cũng được. Trong Thông tư và hợp đồng dự án đều quy định nhà đầu tư phải có báo cáo và được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mức giá,” ông Huyện nhìn nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục