Bộ Giao thông Vận tải thông tin về 4 dự án trọng điểm quốc gia

Bốn dự án lớn gồm nhà khách VIP A, Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân sẽ đưa vào khai thác bắt đầu tư ngày 4/1/2015.
Cầu Nhật Tân lung linh trong đêm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sáng 26/12, Bộ Giao thông Vận tải đã thông tin về 4 dự án lớn gồm nhà khách VIP A (sân bay Nội Bài), Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân sẽ đưa vào khai thác bắt đầu từ ngày 4/1/2015.

Đây là những dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Các công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội của cả nước.

Dư tiền nên làm cầu vượt nhẹ

Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…

Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Xét điều kiện giao thông và lưu lượng thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Ban Quản lý Dự án 85 thực hiện đầu tư xây dựng cầu vượt nhẹ để tăng cường năng lực giao thông tại nút giao Phú Thượng.

Cầu vượt nhẹ này sẽ vượt 2 cụm đèn đỏ, nằm chính giữa đường Âu Cơ, vượt đường Lạc Long Quân và đường kết nối cầu Nhật Tân. Công trình này sẽ triển khai trong năm 2015.

Đề cập đến số tiền xây dựng cầu vượt nhẹ này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, nguồn vốn để xây cầu là vốn dư của cầu Nhật Tân, trong quá trình đấu thầu có tiết kiệm được một khoản tiền và Bộ đã đề xuất Chính phủ cũng như xin phép phía Nhật Bản đồng ý sử dụng vốn này cho cầu vượt Phú Thượng.

Về công tác phân luồng giao thông cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, theo thiết kế cầu Nhật Tân phục vụ cả xe máy lẫn ôtô. Trên cầu có làn dành riêng cho xe máy (6 làn ôtô, 2 xe máy). Khi qua cầu, xe máy đi vào đường gom, không đi vào đường chính.

Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với Hà Nội về việc các phương tiện xe buýt, xe khách, xe con sẽ được phép lưu thông, không cho xe tải đi trên cầu Nhật Tân mà đi đường Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Trước câu hỏi liên quan đến độ an toàn cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, cầu được thiết kế dây văng do Nhật Bản và Đức làm tư vấn thiết kế, thẩm định. Đối với cầu dây văng, công việc hết sức quan trọng là tính toán sức gió (thử rung lắc khi gặp gió lớn). Người và phương tiện đi trên cầu này sẽ đảm bảo an toàn cao vì đã có tính toán và nghiên cứu kỹ càng.

Liên quan đến vấn đề thu hồi vốn cho dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài không đạt vấn đề thu hồi vốn do dự án được ngân sách Nhà nước đầu tư.

“Riêng nhà ga T2, vốn đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vay lại và sẽ trả dần. Dịch vụ thu qua ACV sẽ để hoàn vốn cho dự án,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Giảm thấp nhất thất lạc hành lý

Ngày 4/1/2015 tới, hai dự án lớn gồm nhà ga T2 Nội Bài, nhà khách VIP A cũng sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác.

Dự án nhà ga T2 được khởi công ngày 4/12/2011 với mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. Sau gần 3 năm thi công, công trình được đưa vào hoạt động đúng tiến độ

Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1. Nhà ga có công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, nhà ga T2 là công trình hiện đại nhất trong các nhà ga của Việt Nam, sử dụng tất cả những thiết bị tiên tiến nhất, được kỹ sư tư vấn của Nhật Bản cũng như nhà thầu Nhật Bản thi công nghiêm ngặt, làm tới đâu thử nghiệm tới đó.

"Tới thời điểm này, các hạng mục cơ bản đáp ứng thiết kế ban đầu. Chúng tôi đã cho chạy thử 2 chuyến đi quốc tế và một chuyến từ quốc tế về Việt Nam tại nhà ga này," Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Nhà ga hiện đại nhất Việt Nam nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn–Hoàng Long/Vietnam+)

Nhấn mạnh việc nhà ga sẽ cố gắng giảm ở mức thấp nhất tình trạng thất lạc hành lý cho hành khách, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thẳng thắn bày tỏ quan điểm, vừa qua, dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị đưa vào danh sách 10 sân bay kém nhất châu Á nên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo cụ thể nhà ga T2 không để xảy ra chuyện đó. Nhân viên đã được đào tạo, thử thách trước một năm nên sẽ có cải thiện tốt hơn khi T2 đưa vào sử dụng.

Bổ sung thêm, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án nhà gà T2 Nội Bài cho hay, nhà ga này được trang bị thiết bị xử lý hành lý hiện tại đặc biệt nhất thế giới. Hành khách lên máy bay thì hành lý cũng ở trên máy bay.

"Đây là lần đầu tiên một nhà ga của Việt Nam áp dụng hình thức này và nhiều sân bay thế giới chưa có. Khi hành lý được xác nhận ở điểm đi thì thông tin gửi về điểm kiểm soát an ninh. Hành khách làm thủ tục xong thì tới máy quét, nếu hành lý chưa tới điểm kia và chưa có thông tin báo về thì máy sẽ từ chối xác nhận. Khi đó, một là hành khách phải chờ để có xác nhận hoặc khâu thủ tục đã bị lỗi và phải quay lại làm thủ tục," ông Bình cho hay.

Lý giải rõ thêm với cách làm như vậy, theo ông Bình, xác suất thất lạc trên đường đi của hành lý sẽ ít. Giống như máy quét tại siêu thị, trong trường hợp máy đọc nhầm thay vì đưa lên container của chuyến bay này sang chuyến bay khác thì việc này đặt ra cho đội ngũ khai thác, phải bảo trì trang thiết bị, giảm thiếu tối đa chứ bảo đảm giảm 100% hành lý thất lạc là không thể.

Về giá cả dịch vụ các mặt hàng thiết yếu tại sân bay, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ACV nhìn nhận, dù có nhiều nỗ lực nhưng chất lượng phục vụ và giá cả tại sân bay Nội Bài vẫn còn nhiều vấn đề.

“Để chuẩn bị cho nhà ga T2 vào khai thác, Tổng công ty đang hướng tới việc cho các nhà cung cấp dịch vụ có thương hiệu, đẳng cấp vừa đảm bảo chất lượng lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm,” ông Hùng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục