Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), nhiều tuyến đường đã tái diễn tình trạng xe quá tải lưu thông, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.
Báo cáo của Cục Đường bộ cho thấy từ 15/10/2021-14/10/2022, Thanh tra giao thông cả nước đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm, tước 2.244 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 82 tỷ đồng.
Mặt khác, tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 19, Quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh. Một số đường địa phương có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa như Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An... còn tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.
Đánh giá kết quả trên chưa phản ánh hết được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thực tế còn rất nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý bởi nguyên nhân là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Để làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới, nhất là các dự án đường cao tốc đưa cân tự động để kiểm soát xe quá tải đồng thời từng bước đầu tư trạm cân tự động trên các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Song song đó, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình; chỉ đạo và cho phép các nhà đầu tư BOT bổ sung hệ thống cân theo hướng cân kiểm tra tải trọng xe tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ.
[Xe quá tải bùng phát trở lại và càng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành]
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm, trạm đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với các phương tiện vi phạm, đã bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xử lý nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm; đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện cơi nới kích thước thành thùng hàng.
Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giao thông vận tải bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải; nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm cân cố định theo mô hình trạm tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực./.