Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Ban quản lý dự án Đường sắt đề nghị chấn chỉnh công tác căn chỉnh, vận hành thử của Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Theo đánh giá Bộ Giao thông Vận tải, dự án đang trong quá trình hoàn thiện, đóng điện để chuẩn bị cho việc căn chỉnh, vận hành chạy thử trên toàn tuyến, do đó, công tác này rất quan trọng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn mới cho phép đóng điện, vận hành thử.
[Tổng thầu Trung Quốc tự ý đưa người dân đi thử tàu Cát Linh-Hà Đông]
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng thầu nghiêm túc rút kinh nghiệm và không để tái diễn việc tự ý tổ chức cho cán bộ, công nhân viên của Tổng thầu và người thân lên tàu vào thứ Bảy ngày 11/8 vừa qua mà không thông báo với Ban quản lý dự án Đường sắt và Tư vấn giám sát đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn trong quá trình vận hành thử.
Ban quản lý dự án Đường sắt chỉ đạo Tổng thầu tăng cường lực lượng an ninh, lắp đặt camera, hàng rào cứng trong các nhà ga, có cửa ra vào trước lối lên cửa ke ga và bố trí nhân sự bảo vệ 24/24 giờ để kiểm soát người ra vào công trường, tuyệt đối không để những người không có nhiệm vụ ra vào công trường đang thi công.
Báo cáo của Ban quản lý dự án Đường sắt cho thấy, hiện tượng mất an ninh, mất mát vật tư, thiết bị của dự án vẫn còn xảy ra tại một số nhà ga và khu vực Depot. Mặt khác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã đóng điện trên toàn tuyến với điện áp 22KV nên việc đảm bảo tuyệt đối an toàn điện là hết sức quan trọng.
Liên quan đến biển chỉ dẫn song ngữ Việt-Trung tạm thời trên công trường, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc này nhằm phục vụ công việc của các kỹ sư, chuyên gia người Trung Quốc trên công trường chỉ mang tính chất nội bộ của Tổng thầu EPC.
[Nhà ga Cát Linh-Hà Đông dùng biển tiếng Trung Quốc chỉ là tạm thời?]
“Vì vậy, trước khi in ấn, sử dụng mọi tài liệu phải được Ban quản lý dự án Đường sắt xem xét, chấp thuận và chỉ sử dụng để phục vụ nội bộ, tạm thời trong quá trình thi công. Nghiêm cấm không được đăng tải, phát hành ra bên ngoài tránh gây hiểu lầm ảnh hưởng đến dự án,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 11/8 vừa qua, để động viên tinh thần cán bộ công nhân viên của Tổng thầu với kết quả thi công đã đạt được trong thời gian qua, Tổng thầu đã tự ý mời cán bộ công nhân viên của Tổng thầu và người thân cùng tham gia đi trên tàu.
Nhằm kiểm soát người lên tàu cho đối tượng trên, Tổng thầu đã dùng thẻ lên tàu, thẻ này chỉ dùng cho mục đích trên và chỉ có giá trị trong ngày 11/8.
Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình Tổng thầu và có văn bản yêu cầu Tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vé được trợ giá nên sẽ không quá cao]
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), khối lượng xây lắp hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu Depot; hạ tầng khu Depot vẫn đang tiếp tục được triển khai.
“Ngày 20/8 vừa qua, Tổng thầu Trung Quốc đã bắt đầu vận hành thử đoàn tàu. Dự kiến từ ngày 20/9 tới sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị),” ông Phương cho hay.
Đặc biệt, ông Phương thừa nhận, Tổng thầu rất chậm trễ trong công tác hoàn thiện và trình nộp kế hoạch chi tiết vận hành thử, quy trình bảo trì bảo dưỡng, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống của dự án để các cơ quan liên quan xem xét, chấp thuận theo quy định nên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bàn giao dự án.
“Với những dự án đường sắt đô thị tương tự trên thế giới, chưa nước nào chỉ vận hành thử trong ba tháng là xong. Trung bình phải từ 3-6 tháng,” ông Phương khẳng định./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.Dự án này sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo.