Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử tối đa sáu tháng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, tối đa sáu tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử tối đa sáu tháng ảnh 1Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông chạy thử qua đoạn hồ Hoàng Cầu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được vận hành chạy thử đơn lẻ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, tối đa sáu tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào chiều 23/8, theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), khối lượng xây lắp hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu Depot; hạ tầng khu Depot vẫn đang tiếp tục được triển khai.

[Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông thấp là để mua… ‘thói quen’ của người dân]

“Ngày 20/8 vừa qua, Tổng thầu Trung Quốc đã bắt đầu vận hành thử đoàn tàu. Dự kiến từ ngày 20/9 tới sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị),”ông Phương cho hay.

Đặc biệt, ông Phương thừa nhận, Tổng thầu rất chậm trễ trong công tác hoàn thiện và trình nộp kế hoạch chi tiết vận hành thử, quy trình bảo trì bảo dưỡng, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống của dự án để các cơ quan liên quan xem xét, chấp thuận theo quy định nên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bàn giao dự án.

“Với những dự án đường sắt đô thị tương tự trên thế giới, chưa nước nào chỉ vận hành thử trong ba tháng là xong. Trung bình phải từ 3-6 tháng,” ông Phương khẳng định.

[Hình ảnh người dân hào hứng đi thử tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông]

Nhìn nhận một vướng mắc phát sinh mới về kinh phí để trả lương cho bộ máy trong quá trình chạy thử, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tỏ ra lo ngại khi 681 nhân sự đã được đưa đi đào tạo cả lý thuyết và thực hành với kinh phí là 5 triệu USD (khoảng 116,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong giai đoạn vận hành thử, chưa rõ kinh phí để trả cho những người này trong quá trình chạy thử ở đâu?

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, không có lý do gì đến giờ chạy thử rồi vẫn chưa có quy trình chạy thử, phải có quy trình đó mới có thể kiểm soát được vận hành có đúng hay không?

“Việc điều hành dự án thời gian qua dù có chuyển biến nhưng rõ ràng đến thời điểm này dự án vẫn có nguy cơ chậm tiến độ. Một tài sản lớn, gần như hoàn chỉnh hết, không vận hành sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là rất lãng phí. Tối đa sáu tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vé được trợ giá nên sẽ không quá cao]

Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phối hợp với lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan giải quyết toàn bộ vấn đề đang vướng mắc hiện nay, trong đó có việc công bố quy trình vận hành để nghiên cứu, kiểm tra, giám sát đồng thời làm rõ nguồn kinh phí trả cho 681 người trực tiếp tham gia vận hành.

Về tiến độ xây dựng, với 4% hạng mục xây lắp và thiết bị chưa hoàn thành, người đứng đầu ngành giao thông vận tải quả quyết, nếu không hoàn thành đủ, dứt khoát không nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng./.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Đầu tháng Tám này, Ban quản lý dự án Đường sắt đã cho vận hành chạy thử tuyến đường sắt, thời gian chạy tử sẽ từ 3-6 tháng sau đó mới đưa vào khai thác thương mại.

Dự án này sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục