Bộ GTVT chỉ ra 6 nguyên nhân gây chậm tiến độ Dự án sân bay Long Thành

Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua

Báo cáo Quốc hội ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải nêu 6 nguyên nhân chậm tiến độ Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua ảnh 1Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải báo cáo Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và điều chỉnh một số nội dung tại Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

"Chỉ mặt" nguyên nhân chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo 6 nguyên nhân khách quan gây chậm tiến độ Dự án Sân bay Long Thành.

Thứ nhất, trong 2 năm 2020-2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Thứ hai, dự án có quy mô, khối lượng công việc thực hiện rất lớn, có tính phức tạp cao do liên quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội… đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỷ và có thời gian; cần có sự phối hợp của nhiều ngành để xử lý.

Thứ ba, dự án có khối lượng công việc thu hồi đất trên địa bàn rất rộng, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã nhưng chỉ tập trung trên địa bàn của 1 huyện, trong khi bộ máy hành chính cấp huyện có số lượng cán bộ hạn chế.

Thứ tư, nguồn gốc đất đai có nhiều phức tạp, nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất như chuyển nhượng viết tay, vô chủ… cần phải kéo dài thời gian xác minh và gặp khó khăn trong công tác đền bù.

[Kiến nghị giảm hơn 3.700 tỷ đồng tiền đền bù đất sân bay Long Thành]

Thứ năm, đối với các dự án có cấu phần xây dựng, ngoài các nguyên nhân nêu trên còn do giá cả vật tư, vật liệu tăng cao, nguồn cung ứng sản xuất vật tư, vật liệu bị đứt gãy, lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách.

Thứ sáu, ngoài triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai còn phải tập trung nhân lực để triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm Quốc gia trên địa bàn tỉnh nên lực lượng thực hiện bị thiếu hụt.

Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là điểm nghẽn lớn nhất của dự án, có thời gian thi công 39 tháng. Các chủ đầu tư đang phấn đấu thi công dự án hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc, thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Song, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai chậm và kiến nghị một số nội dung ngoài báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, dẫn đến phải giải trình lại, làm chậm tiến độ thẩm định.

“Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nhận trách nhiệm thiếu sót, chậm trễ trong công tác điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Các bộ, ngành liên quan xin tiếp thu và rút kinh nghiệm trong các dự án về sau,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.

Về trách nhiệm của Bộ Giao thông-Vận tải, báo cáo cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật. Bộ Giao thông-Vận tải được giao nhiệm vụ phối hợp và đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng giai đoạn 1.

Tháng 7/2023, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư đạt 100% diện tích. Các gói thầu chính của dự án giai đoạn 1 cũng đã khởi công ngày 31/8.

Giai đoạn khó nhất đã qua

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đến giờ phút này, các dự án đang được khởi động, triển khai trở lại. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Bộ trưởng cho rằng dù dự án giải phóng mặt bằng bị kéo dài đến năm 2024 nhưng tiến độ chung của Dự án Sân bay Long Thành vẫn đang được kiểm soát. Lý do là toàn bộ phần diện tích để xây dựng Giai đoạn 1 (hơn 2.500 ha) đã được bàn giao đầy đủ.

Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua ảnh 3Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp sáng 9/11. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hơn nữa, theo ông Thắng, vấn đề tiến độ cần quan tâm nhất là của dự án nhà ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành nhưng nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai. Chậm nhất, nhà ga này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Các dự án thành phần khác đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga. Nhiều dự án đang có tiến độ nhanh hơn, nhiều dự án đảm bảo tiến độ.

“Công tác mặt bằng đến nay đủ điều kiện để các chủ đầu tư dự án thành phần triển khai, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo chủ đầu tư thay thế nhà thầu thi công chậm tiến độ bằng các nhà thầu đủ năng lực. Hiện các trường học tại các khu tái định cư đã đi vào hoạt động, còn lại 2 gói thầu trường tiểu học và trung học cơ sở sẽ hoàn thành vào quý I/2024.

Trước đó, ngày 26/10, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành, gồm: Giảm tổng mức đầu tư Dự án; Giảm diện tích đất thu hồi; Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; Bổ sung nội dung: Bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn.

Chính phủ kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: "Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục