Bộ GTVT không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá BOT

Bộ GTVT không quy định cự ly giữa các trạm thu giá BOT cách 70km

Bộ Giao thông Vận tải không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá và sẽ kiểm điểm cá nhân, tổ chức đưa nội dung trạm thu giá phải cách nhau tối thiểu 70km vào Dự thảo sửa đổi Thông tư 49.
Bộ GTVT không quy định cự ly giữa các trạm thu giá BOT cách 70km ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá và sẽ kiểm điểm cá nhân, tổ chức đưa nội dung trạm thu giá phải cách nhau tối thiểu 70km vào Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 của Bộ Giao thông Vận tải.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 về tiêu chí trạm thu giá BOT diễn ra chiều ngày 17/5.

[Thường trực Chính phủ họp về các dự án BOT giao thông đường bộ]

Theo Bộ trưởng, tại Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các trạm thu giá BOT phải đặt trên các tuyến đường xây dựng mới, người dân có sự lựa chọn đi đường BOT hoặc đi đường cũ.

“Trước đó, các trạm thu giá BOT được đặt trên các tuyến đường cũ được nâng cấp, cải tạo nên mới có quy định về khoảng cách trạm thu phí. Bộ Giao thông Vận tải không có ý kiến chỉ đạo về việc này, Bộ sẽ kiểm điểm xem đơn vị, cá nhân nào đưa nội dung khoảng cách trạm thu giá BOT vào nội dung Dự thảo Thông tư 49,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.

Ông Thể bày tỏ ngạc nhiên thời gian qua cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 49 bỏ khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 70km và khẳng định không chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá, Thông tư 49 của Bộ Giao thông Vận tải chỉ có nội dung về hoạt động của trạm.

“Bộ Giao thông Vận tải không chỉ đạo đưa nội dung này vào Dự thảo Thông tư, vậy vì lý do gì mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại đưa nội dung này vào Dự thảo, gây nên sự hiểu lầm trong dư luận xã hội rằng Bộ quay lại mở rộng và lập trạm trên đường cũ?” Tư lệnh ngành giao thông đặt câu hỏi.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục Đường bộ thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ. Việc đưa quy định khoảng cách 70km vào Dự thảo lần 1 là trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.

Không đồng tình với cách trả lời này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “truy” vấn: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thì Bộ có chỉ đạo Tổng cục nội dung này hay không? Bộ không chỉ đạo, tại sao Tổng cục lại đưa quy định này vào?”

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ không hiểu rõ bản chất sự việc, do đó trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai sót không đáng có, dẫn đến phản ứng của dư luận nhưng lại không cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là lý do vì sao Dự thảo lần một có đưa quy định về khoảng cách đặt trạm và đến Dự thảo lần hai lại bỏ ra.

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ họp, kiểm điểm Tổ soản thảo này, do vô tình không hiểu đưa vào hay cố tình tạo dư luận về việc này, xem rõ trách nhiệm để xử lý nội bộ, dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã tạo dư luận không tốt. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ phải xem xét việc này một cách thấu đáo, có kết quả xử lý báo cáo về Bộ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tham gia xây dựng Thông tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong xây dựng Thông tư, Nghị định sau tốt hơn.

Liên quan đến Dự thảo Thông tư 49 sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không triển khai dự án mới nhưng lại thu phí trên đường cũ, hiện có. Các dự án BOT sắp tới sẽ được triển khai trên đường mới hoàn toàn.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải quyết được căn cơ, tạo điều kiện cho người dân có sự chọn lựa, được sử dụng hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường mới, còn không thì đi đường cũ,” ông Thể nói.

Hơn nữa, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các trạm thu giá BOT từ nay về sau sẽ phải ứng dụng thu phí không dừng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa minh bạch tài chính. Nhà nước và nhân dân cùng quản lý được nguồn thu của nhà đầu tư. Tiến tới, các barie tại các trạm thu giá BOT sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, công nghệ thu phí tự động không dừng sẽ tự động quét xử lý, trừ phí vào tài khoản của lái xe…

“Chủ trương của Bộ là không làm đường Quốc lộ song hành mà chỉ làm đường cao tốc song hành với Quốc lộ, nếu Quốc lộ quá tải thì sẽ đầu tư cao tốc song hành, giảm tải cho Quốc lộ,” Bộ trưởng Thể quả quyết./.

Khó chốt thời gian hoàn thành cho Dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục