Bộ GTVT: Lập nghiên cứu khôi phục đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt

Nếu được chấp thuận khôi phục lại, tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt sẽ giúp phát triển du lịch, kinh tế-xã hội hai tỉnh đi qua là Đà Lạt, Ninh Thuận.
Bộ GTVT: Lập nghiên cứu khôi phục đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt ảnh 1Đoàn tàu tại nhà ga Đà lạt. (Nguồn: toursdulichdalat.com)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản chấp thuận giao nhà đầu tư chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công-tư).

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (nhà đầu tư đề xuất dự án) có trách nhiệm trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

Nhà đầu tư đề xuất dự án có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư phải nộp Hồ sơ đề xuất dự án trước ngày 31/12/2022.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án; rà soát, trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

[Trải nghiệm thú vị trên tuyến đường sắt kỳ lạ nhất thế giới ở Đà Lạt]

Từ năm 2018 Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã thuê tư vấn tiến hành nghiên cứu khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa leo núi này theo hướng tương tự như thời Pháp thuộc, kết hợp với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội hai tỉnh tuyến đi qua là Đà Lạt, Ninh Thuận.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt được người Pháp thi công từ năm 1908 và đến năm 1932 hoàn thành, có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa.

Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát-Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục