Bộ GTVT nói gì khi làm Nghị định trong 3 năm vẫn chưa được ban hành?

Sau 11 lần trình và sau 3 năm xây dựng, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện xây dựng vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt, ban hành.
Bộ GTVT nói gì khi làm Nghị định trong 3 năm vẫn chưa được ban hành? ảnh 1Nghị định 86 sửa đổi khi được ban hành sẽ giải quyết triệt để những tranh cãi thời gian qua về vấn đề xe hợp đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghị định 86 sửa đổi có sự ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, người dân và sự hội nhập tiến bộ khoa học công nghệ theo xu thế phát triển của thế giới. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã trình 11 lần và vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt, ban hành.

Lý giải việc này, theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định 86 đã được thực hiện với thời gian trên 3 năm. Đơn vị này đã tổ chức thảo luận (qua email, cổng thông tin điện tử của Bộ...) để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, đơn vị tư vấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)..., qua đó hoàn thiện dự thảo trên cơ sở tiếp thu phù hợp với ý kiến chung nhất của các cơ quan, đơn vị.

Mặc khác, dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh thực tiễn có nhiều thay đổi như việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để điều hành phương tiện, đặt xe, đặt vé, thanh toán bằng điện tử thông qua môi trường số,... và chủ yếu được áp dụng cho xe dưới 9 chỗ chở khách, bao gồm xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (truyền thống), taxi công nghệ và xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ theo hợp đồng hoặc kinh doanh vận tải khách du lịch) sử dụng hợp đồng điện tử.

Khẳng định việc kết nối giữa hành khách với xe chở khách được nhanh chóng thuận tiện, chất lượng dịch vụ vận tải được tốt lên rất nhiều so với trước đây, tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận đi kèm theo đó là sự bùng nổ về số lượng phương tiện tham gia kinh doanh loại hình vận tải này dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt giữa taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (truyền thống) với xe ôtô sử dụng hợp đồng điện tử.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh thực tiễn hiện nay hiện tượng “xe dù, bến cóc” vẫn còn diễn biễn phức tạp. Điển hình như xe xin cấp loại hình vận chuyển hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ôtô nhưng khi đưa vào kinh doanh lại chạy như tuyến cố định dẫn đến việc xe bỏ bến ra ngoài, gây nên mất trật tự vận tải và bất bình đẳng giữa xe hoạt động theo tuyến cố định với các xe trá hình...

Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ được xây dựng ban hành từ năm 2008 vì thế nhiều nội dung phát sinh trong thời gian gần đây chưa có quy định trong Luật giao thông đường bộ năm 2008. Trong khi đó, dự thảo Nghị định lúc nghiên cứu, xây dựng lại phải tuân thủ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

“Đây là một trong các Nghị định hết sức phức tạp và rất khó khăn trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, điều đó được thể hiện từ năm 2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã trình 11 lần và Chính phủ cũng đã chủ trì họp nhiều cuộc họp rà soát nhưng đến nay Nghị định vẫn chưa được ban hành,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận.

[Xe taxi và taxi công nghệ không bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc]

Nhằm mục đích kiểm soái tình trạng xe taxi, ôtô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy định, chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Trong thời gian 1 tháng, xe phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Đối với nội dung quy định về hộp đèn đối với xe taxi, Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định như sau: Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kính thước tối thiểu là 12x30 cm hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 6x20 cm.

Trong trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI.”

“Việc quản lý Nhà nước đối với 2 loại hình nói trên sẽ được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan, qua thiết bị giám sát hành trình và bằng chính phần mềm của doanh nghiệp. Việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải và công tác quản lý Nhà nước bằng công nghệđồng thời đảm bảo sự thống nhất về quan điểm của VCCI, Viện phát triển kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành liên quan...,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục