Bộ GTVT: Sẽ cân đối vốn để làm Đường Vành đai 5 Hà Nội trước năm 2030

Bộ GTVT: Sẽ cân đối vốn để làm Đường Vành đai 5 Hà Nội trước 2030

Dự án Đường Vành đai 5 Hà Nội nếu được triển khai đầu tư sẽ hoàn thành khép hạ tầng giao thông Vùng Thủ đô, tạo động lực phát triển kinh tế liên vùng của cả khu vực phía Bắc.
Phương tiện lưu thông trên tuyến Đường Vành đai 3 Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên tuyến Đường Vành đai 3 Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến kế hoạch đầu tư Dự án Đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội, Phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 272km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

“Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư Đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021-2025,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số là 304.105 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương thực hiện các tuyến Đường Vành đai 4 Hà Nội, Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và 3 dự án quan trọng quốc gia (Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng), kế hoạch đầu tư công trung hạn thực tế của bộ còn lại là 287.011 tỷ đồng và danh mục các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ báo cáo và Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đang cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn đã bố trí cho bộ từ các dự án.

[Động lực cho phát triển Hà Nội: Kỳ vọng vào dự án đường Vành đai 4]

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết Đường Vành đai 5, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên Đường Vành đai 5.

Được biết, các Đường Vành đai đô thị Hà Nội có tổng chiều dài 429km, trong đó Đường Vành đai 3 dài 55km, Đường Vành đai 4 dài 102km và Đường Vành đai 5 dài 272. Cả 3 tuyến đường này đều có quy mô 6 làn xe và được đầu tư trước năm 2030.

Theo quy hoạch, Vành đai 5 có chiều dài khoảng 272km đi qua Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đường quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Nhu cầu vốn đầu tư Đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục