Bộ trưởng Giao thông Vận tải yêu cầu ngành hàng không tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng máy bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ban hành chỉ thị các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
[Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng sự cố máy bay Vietjet tại Buôn Ma Thuột]
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và các Cảng vụ hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết 2019 và công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.
Các đơn vị liên quan thực hiện điều phối giờ hạ cất cánh giai đoạn cao điểm Tết 2019 theo giới hạn khai thác của các cảng hàng không, đáp ứng tối đa nhu cầu khai thác của các hãng hàng không; chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác, chất lượng dịch vụ.
Ngành hàng không tổ chức giám sát chặt chẽ các quy trình, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; các phương án, kế hoạch bố trí, sắp xếp nhân sự phục vụ các chuyến bay tăng chuyến (kể cả các chuyến bay bị chậm chuyến và các chuyến bay phải hạ cánh tại sân bay dự bị nếu có) trong thời gian cao điểm và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giữa các cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị trên thực hiện việc kiểm tra, tiếp nhận kịp thời và xử lý nghiêm, khách quan các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, an toàn, khai thác, chất lượng dịch vụ... theo quy định; phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn xử lý kịp thời và hiệu quả những vụ việc vi phạm an ninh hàng không xảy ra tại cảng hàng không, sân bay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các bộ phận liên quan trực tiếp nhận và giải thích các ý kiến hay khiếu nại của người dân qua đường dây nóng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm tình trạng taxi dù vào đón khách tại cảng hàng không, sân bay; không để lái xe taxi lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá bất hợp lý...
“Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra an toàn tại các sân bay lớn có mật độ bay cao như: Nội Bài , Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cát Bi, Phú Bài...,” Bộ trưởng lưu ý.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực (nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay.
[Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ máy bay Vietjet hạ cánh bằng càng]
Bên cạnh đó, các hãng hàng không phải yêu cầu người lái tàu bay, tiếp viên hàng không tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn; trong đó chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ sân bay hạ cánh, điều kiện thời tiết tại sân bay hạ cánh; phối hợp kiểm tra chéo các thông tin quan trọng trong quá trình bay; tuân thủ quy định về khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi (gió đứt, gió giật, gió cạnh, gió đuôi, mưa giông lớn, tầm nhìn giảm đột ngột …) tại các cảng hàng không, sân bay.
Các hãng hàng không thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc của thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng; yêu cầu nhân viên bảo dưỡng tàu bay tuân thủ quy trình quy định trong các tài liệu bảo dưỡng, sử dụng danh mục kiểm tra trong khi thực hiện công việc để tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bay, giảm thiểu tác động yếu tố kỹ thuật tàu bay, độ tin cậy thiết bị đến an toàn khai thác bay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trì hợp lý nguồn lực (tàu bay, phi công, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa chậm, hủy chuyến; bố trí đủ nhân sự tăng cường phục vụ hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến và giải quyết những vướng mắc, bức xúc phát sinh của hành khách liên quan đến dịch vụ vận chuyển hàng không trong giai đoạn cao điểm dịp Tết 2019.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không phải đảm bảo năng lực thông qua cảng hàng không, sân bay theo giờ cất hạ cánh đã được Cục Hàng không xác nhận; xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách, tàu bay trên cơ sở nguồn lực của các cảng hàng không, sân bay và kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không; duy trì hoạt động khai thác ổn định, giảm thiểu tối đa các vi phạm do lỗi con người.
Tổng Công ty Cảng và các doanh nghiệp phải duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến bảo đảm hoạt động bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, cầu phục vụ hành khách và các thiết bị phụ trợ khác; thường xuyên kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay bảo đảm không có vật ngoại lai để giảm thiểu tình trạng lốp tàu bay bị cắt..., có phương án khắc phục kịp thời khi có sự cố, hư hỏng xảy ra.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu quán triệt kiểm soát viên không lưu tăng cường quan sát, theo dõi chặt chẽ tàu bay tiếp cận hạ cánh, chạy xả đà, lấy đà, cất cánh để kịp thời thông báo cho tổ lái khi phát hiện các bất thường; duy trì liên lạc và trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không sân bay, Ban chỉ huy phòng, chống khủng bố địa phương, công an địa phương, đơn vị quân đội và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó khi có những tình hình phức tạp về an ninh hàng không…/.