Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị các Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội lắp đặt biển báo điểm đón trả khách tuyến cố định trên Quốc lộ 5.
Theo kết quả kiểm tra hiện trường, trên Quốc lộ 5 đoạn km11+135-km33+720 thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên cần bố trí 11 vị trí điểm dừng đón trả khách tuyến cố định (05 điểm bên phải, 06 điểm bên trái tuyến). Đối với tỉnh Hải Dương, trên Quốc lộ 5 cần bố trí 16 vị trí điểm dừng đón trả khách tuyến cố định (9 điểm bên phải, 7 điểm bên trái). Thành phố Hải Phòng cần bố trí 8 điểm dừng đón trả khách tuyến cố định (5 điểm bên phải, 3 bên trái tuyến) trên tuyến đường này.
Tại địa bàn thủ đô Hà Nội, theo kết quả kiểm tra, trên tuyến có mật độ xe tuyến cố định lưu thông rất lớn nhưng mặt bằng để bố trí điểm dừng xe đón trả khách với diện tích nhỏ, hẹp sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông do cùng một thời điểm có hàng chục chiếc xe xếp hàng ra, vào điểm dừng đỗ.
Tuy nhiên, việc bố trí điểm dừng đón trả khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, do đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các ban, ngành nghiên cứu bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng thêm điểm dừng đón, trả khách có quy mô mỗi chiều 1 điểm trong khu vực huyện Gia Lâm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cục Quản lý đường bộ 1 và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt (VIDIFI) theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông tại các điểm dừng, đón trả khách tuyến cố định để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại vận tải và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, tuyến Hà Nội-Hải Phòng có lượng khách đi lại rất lớn, khoảng hơn 10.000 lượt/ngày. Vì vậy, nếu trong nội thành, cứ mỗi 5km và ngoại thành 10km có một điểm dừng đón trả khách theo đúng tinh thần của Nghị định 86 về vận tải hành khách tuyến cố định sẽ không chỉ lập lại được trật tự trên tuyến mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Hải, khi có các điểm đỗ quy định, người dân sẽ biết được vị trí cụ thể, giờ xe chạy để đón xe thay vì chỗ nào cũng đứng đón. Để cắm các điểm dừng đón trả khách, chỉ cần cơ quan quản lý Nhà nước có quy hoạch, doanh nghiệp vận tải tham gia trên tuyến sẵn sàng bỏ tiền ra làm. Khi tham gia, doanh nghiệp phải cam kết không vi phạm.
“Nếu xe nào đón trả khách ngoài các điểm này, thông qua thiết bị giám sát hành trình có thể phát hiện, xử phạt nặng, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh. Có nhìn thấy khách dọc đường, xe cũng không dám dừng bắt khách. Khi đó, xe chạy đúng lộ trình, luồng tuyến và sẽ không có hiện tượng các nhà xe chèn ép, ‘cướp khách’ của nhau trên đường,” ông Hải khẳng định./.