Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quyết liệt thanh tra, kiểm tra đất đai

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo, năm 2019, Tổng cục Quản lý đất đai cần phải đưa các mục tiêu trọng tâm, rõ ràng; thanh tra, kiểm tra cần phải quyết liệt; thay đổi cách thống kê, điều tra đánh giá.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quyết liệt thanh tra, kiểm tra đất đai ảnh 1Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh) có nguồn gốc đất công nhưng đã được "hô biến" thành đất thuộc sở hữu tư nhân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Sáng 5/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019 của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, Tổng cục Quản lý đất đai cần đổi mới tư duy sáng tạo, hiệu quả và bứt phá, liên kết các hệ thống trong toàn ngành; đảm bảo lựa chọn chiến lược, mục tiêu, chính sách pháp luật đất đai tạo nền tảng đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công tác quản lý phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai đánh giá lại sự nghiệp quản lý nhà nước trong công tác quản lý đất đai, bởi lĩnh vực đất đai đang được Nhà nước, Chính phủ quan tâm hàng đầu, nên công tác quản lý nhà nước phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Trong năm 2018, Tổng cục cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế....

Tuy vậy vẫn còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo về đất đai; công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đất đai chưa được thực hiện thường xuyên; nhận thức và hiểu biết về pháp luật đất đai của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ…

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, năm 2018, Tổng cục đã xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo Bộ giao; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai của các địa phương; xử lý kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, phản ánh của công dân.

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như việc xây dựng và trình duyệt một số dự án chuyên môn còn chậm, chất lượng còn hạn chế; nguồn lực dành cho công tác thanh tra chuyên ngành về đất đai còn thiếu, dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục…

Năm 2018, Tổng cục Quản lý đất đai đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cho 63/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lập điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất đai.

Công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Tổng cục đã tổ chức rà soát các thủ tục về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; cải cách tổ chức bộ máy gắn với rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục, đã giảm từ 15 đơn vị trực thuộc xuống còn 13 đơn vị và từ 54 đơn vị cấp phòng, đơn vị hạch toán phụ thuộc xuống còn 39 đơn vị.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã được Tổng cục quán triệt triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng về việc sử dụng văn bản điện tử trên Hệ thống hồ sơ công việc.

Tổng cục đã tăng cường công tác thống kê, thanh tra và kiểm tra đất đai, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm của cơ quan quản lý và người sử dụng đất.

Năm 2018, Tổng cục đã tiếp nhận 692 trường hợp phản ánh, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải quyết 234 trường hợp phản ánh.

[Kỷ luật một chủ tịch phường để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai]

Các thông tin phản ánh chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... nội dung về các lĩnh vực như đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và các dự án chậm triển khai.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật để tháo gỡ vướng mắc

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo, năm 2019, Tổng cục phải đưa các mục tiêu trọng tâm, rõ ràng vào nhiệm vụ sắp tới để giải quyết khó khăn trong thực tiễn bằng việc nghiên cứu chính sách pháp luật đất đai; thống nhất đồng bộ đội ngũ cán bộ, tổ chức triển khai lực lượng từ những đơn vị trong Tổng cục đến các địa phương; thanh tra, kiểm tra cần phải quyết liệt; thay đổi cơ bản cách thống kê, điều tra đánh giá…

Tổng cục sẽ tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra. Cụ thể, trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cải cách hành chính, Tổng cục sẽ hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khuyến khích tích tụ và tập trung đất đai trong tháng 6/2019; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Khung giá đất trong tháng 10 năm 2019…

Tổng cục tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; công tác thống kê, thanh, kiểm tra đất đai; đề xuất danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng năm 2019.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là các nhiệm vụ cần chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện, như tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền; kiểm tra, đánh giá kết quả thi hành Luật; quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường; quản lý quỹ đất công; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.