Bộ trưởng Y tế: Bảo đảm cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế cao

Bộ trưởng Y tế: Bảo đảm cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ bảo đảm cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Bộ trưởng Y tế: Bảo đảm cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có những sửa đổi chính, có lợi cho người dân, bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Cụ thể, dự thảo Luật nêu rõ sẽ thực hiện bảo hiểm bắt buộc và theo hộ gia đình, có nghĩa là trong gia đình càng nhiều người tham gia thì mức đóng bảo hiểm càng giảm. Mức hưởng cũng có thay đổi rõ rệt.

Đối với người nghèo, thân nhân của những người có công như cha, mẹ, vợ, con của liệt sỹ, trước đây phải đồng chi trả 5% thì hiện nay không phải chi trả; đối tượng chính sách trước đây phải đồng chi trả 20% thì bây giờ không phải chi trả; đối tượng cận nghèo trước phải đồng chi trả 20% nay giảm xuống 5%.

Đổi mới tiếp theo của dự thảo Luật là mở thông tuyến khám chữa bệnh, có nghĩa là người dân có quyền khám chữa bệnh ở tuyến xã, huyện từ tháng 1/2016. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo, sống ở hải đảo, nơi đặc biệt khó khăn, mở thông từ tuyến xã lên đến tuyến tỉnh, trung ương. Có nghĩa là những người này nếu bệnh nặng có thể chuyển thẳng lên tuyến trung ương và được thanh toán hoàn toàn.

Đây là điểm mới đảm bảo chính sách cho những đối tượng ưu tiên. Năm 2021 sẽ mở thông khám chữa bệnh cho đến tuyến tỉnh, trung ương.

Điều đặc biệt tại dự thảo lần này là Quỹ khám chữa bệnh tại các địa phương kết dư sẽ được trích lại 20% để có nguồn kinh phí tăng chất lượng khám chữa bệnh; tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế giúp nhiều người có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và được hưởng nhiều chi trả.

Ngoài ra, ngành y tế còn đổi mới nhiều thủ tục hành chính như rút ngắn thời gian chờ đợi, mở thêm nhiều phòng khám, giảm bớt thủ tục hành chính, đặc biệt ở khoa khám chữa bệnh, tránh phiền hà cho người bệnh.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã có đường dây nóng để người dân có thể gọi trực tiếp phản ánh những phiền hà từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương.

Về giá thuốc và thị trường dược phẩm tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế cho biết đoàn liên ngành (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã khảo sát 36 mặt hàng chính thường dùng, cho thấy giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần; thấp hơn Thái Lan 2,5 đến 3 lần.

Viện Chiến lược chính sách cùng với các hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 3.000 mặt hàng cũng cho thấy những năm gần đây giá thuốc nội tại Việt Nam tăng thấp, đối với thuốc biệt dược tăng trung bình.

Đối với thuốc bảo hiểm y tế, ngành y tế đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc. Đối với thuốc bán tại các quầy thuốc tự do thì theo qui luật thị trường.

Tuy nhiên, liên Bộ (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương) đã phối hợp xây dựng khung giá tối đa và tối thiểu. Các nhà thuốc phải niêm yết công khai giá thuốc, nếu nơi nào bán quá giá qui định thì bị xử lý.

Về vấn đề đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cũng cho biết cách đây 2 năm, Thông tư liên bộ số 01, số 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu được ban hành, sau đó là thông tư 36, 37 nhằm khắc phục tình trạng giá thuốc có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh việc đấu thầu giá rẻ dẫn đến thuốc không đảm bảo chất lượng. Theo đó, thuốc được chia thành các nhóm nhỏ, như nhóm đạt chuẩn GPP, nhóm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại các nhà máy đạt chuẩn GPP; nhóm thuốc dược liệu, đông y...

Mặt khác, việc lựa chọn thuốc còn phụ thuộc vào hội đồng chọn thuốc trong bệnh viện. Nếu yêu cầu cần thuốc biệt dược thì tên thuốc vẫn có trong danh sách thuốc bảo hiểm y tế; còn đối với những thuốc không nhất thiết phải là thuốc ngoại nhập thì vẫn đấu thầu theo nguyên tắc trên. Như vậy, thuốc nội trong đề án ưu tiên dùng thuốc Việt tăng lên gấp đôi; phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế sẽ giảm 20%- 30%. Nhờ vậy, người dân vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp cận được thuốc chất lượng và giá cả phù hợp.

Thuốc phải đảm bảo chất lượng và qua một quy trình rất chặt chẽ thì mới được cấp phép lưu hành. Thuốc không chất lượng sẽ bị loại trong quá trình đăng ký và lưu hành. Quy trình loại bỏ hết thuốc biệt dược, thuốc đắt tiền trong danh sách của bảo hiểm y tế là không có, vì nhu cầu cần thuốc gì thì Hội đồng thuốc của bệnh viện đó quyết định.

Ví dụ như Khoa Hồi sức cấp cứu - khoa có những bệnh nhân nặng thì đòi hỏi phải có những thuốc biệt dược; hay những loại thuốc tim mạch, ung thư thì danh mục những thuốc đó phải là thuốc biệt dược. Như vậy, thuốc có giá cao cũng vẫn phải nhập và tuân theo qui trình đấu thầu.

Trước băn khoăn về số lượng vắcxin phòng bệnh sởi, thủy đậu, liệu có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Chính phủ đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận hoàn toàn miễn phí, kể cả bệnh sởi và thủy đậu.

Bộ Y tế đã cho nhập khẩu tổng cộng gần 400 ngàn liều vắcxin thủy đậu đã cấp phép lưu hành. Khoảng một tháng nữa thì số lượng vắc xin đã được cấp phép và đăng ký trước 6 tháng sẽ về Việt Nam để phục vụ nhu cầu của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục