Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp 'con cưng' lỗ nặng sau cổ phần hóa

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc các doanh nghiệp “con cưng” của bộ sau cổ phần hóa rơi vào cảnh “làm ăn bết bát,” liên tục thua lỗ do tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn...
Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp 'con cưng' lỗ nặng sau cổ phần hóa ảnh 1Hoạt động thi công lắp ráp của LILAMA. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Liên quan đến thông tin hàng loạt doanh nghiệp “con cưng” của Bộ Xây dựng như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (LILAMA), Tổng công ty cổ phần Sông Hồng sau cổ phần hóa rơi vào cảnh “làm ăn bết bát,” mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời bằng văn bản sau đó, phía Bộ Xây dựng thừa nhận trong những năm gần đây, tình hình hoạt động sản xuất của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng và LILAMA gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong năm 2019 của LILAMA âm 86 tỷ đồng; Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng ghi nhận lỗ 66,7 tỷ đồng,...

Lợi nhuận sau thuế “bết bát”

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng cho biết từ thời điểm cuối năm 2015 đến nay, cơ quan này đã hoàn thành cổ phần hóa, chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thêm 7 Tổng công ty, qua đó nâng tổng số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa lên 14/16 Tổng công ty.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), trong đó tập trung thực hiện công tác sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất…

Về tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Bộ Xây dựng cho biết doanh nghiệp này đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ ngày 2/6/2010 với vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Hiện tại, vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu nắm giữ hơn 12,2 triệu cổ phần (chiếm 49,04% vốn điều lệ).

[Chuyển ‘đất vàng’ đại sứ quán sang xây khách sạn: Bộ Xây dựng nói gì?]

Từ năm 2016 đến nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, doanh nghiệp này gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào, cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới và kết thúc năm 2019 ghi nhận lỗ 66,7 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng.

Tương tự, đối với LILAMA, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết doanh nghiệp này đã hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 6/4/2016 với số vốn điều lệ là gần 797,3 tỷ đồng; vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giữ 97,88% vốn điều lệ.

Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp 'con cưng' lỗ nặng sau cổ phần hóa ảnh 2Tổng thầu LILAMA giám sát hoạt động tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của LILAMA được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam, doanh thu năm 2019 là 7.042 tỷ đồng, giảm 47,5% so với doanh thu năm 2018 là 13.412 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 86 tỷ đồng, năm 2018 âm 182 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản tại thời điểm 31/12/2019 là 8.175 tỷ đồng, giảm 37,4% so với tổng tài sản thời điểm 31/12/2018 là 12.052 tỷ đồng.

Dự án đình hoãn, sản xuất có lãi vẫn âm

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận LILAMA liên tục sụt giảm các chỉ số tài chính, phía Bộ Xây dựng cho rằng năm 2019, doanh nghiệp này đã thực hiện thoái vốn tại 7 công ty; trong đó thoái toàn bộ vốn 3 công ty và thoái một phần “công ty con” xuống thành “công ty liên kết” tại 4 công ty. Do số lượng công ty con giảm dẫn tới doanh thu và tổng tài sản hợp nhất giảm tương ứng so với năm 2018.

Số liệu thống kê cho thấy doanh thu có được của LILAMA trong các năm 2018 và 2019 chủ yếu đến từ các dự án đã triển khai trước năm 2017. Trong khi đó, 2 năm gần đây gần như không có dự án lớn trong nước triển khai nên doanh thu sụt giảm mạnh.

Về lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018, 2019 âm, báo cáo của Bộ Xây dựng nhấn mạnh mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ-LILAMA vẫn có lãi (lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng), tuy nhiên, hiện nay thị trường ngành xây lắp đang khó khăn, đầu tư công giảm, các dự án đầu tư bị đình hoãn, giãn tiến độ, nên ảnh hưởng tới việc làm chung và doanh thu của toàn LILAMA.

[Quản lý đầu tư phát triển đô thị ‘xanh’ thích ứng với biến đổi khí hậu]

Vì vậy, số công ty con, công ty liên kết hoạt động thua lỗ, trong đó có công ty cổ phần LISEMCO lỗ lớn (lợi nhuận sau thuế âm 183 tỷ đồng), đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của toàn LILAMA.

Còn năm 2019, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ-LILAMA vẫn có lãi (63 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế cộng ngang của công ty mẹ và các công ty con vẫn dương (lợi nhuận sau thuế cộng ngang của công ty mẹ và các công ty con là 56 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất vẫn âm 86 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm 31/12/2018 khi LILAMA chưa thoái Công ty cổ phần LISEMCO, LILAMA đang trích lập dự phòng nợ phải thu LISEMCO là 331,8 tỷ đồng. Thời điểm đó, LISEMCO đang là công ty của LILAMA, khoản trích lập dự phòng này khi lên báo cáo tài chính hợp nhất được loại ra và ghi tăng lợi nhuận hợp nhất của những năm trước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp 'con cưng' lỗ nặng sau cổ phần hóa ảnh 3Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2019, LILAMA đã thoái toàn bộ vốn tại LISEMCO. Vì vậy, LISEMCO không còn là công ty con, công ty liên kết của LILAMA. Do đó, các khoản dự phòng trên được ghi nhận lại vào kết quả của kinh doanh trong năm 2019 trên báo cáo tài chính hợp nhất làm giảm lợi nhuận sau thuế của báo cáo tài chính hợp nhất.

Thoái toàn phần để bảo toàn vốn

Từ tình hình thực tế hết sức khó khăn của doanh nghiệp, cũng như để thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn vốn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai công tác thoái toàn phần vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng theo đúng kế hoạch (thoái vốn trước ngày 31/12/2020; trường hợp không hoàn thành thoái vốn, chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước-SCIC trước 31/12/2020).

Đối với LILAMA, trước thực trạng khó khăn về thị trường công việc xây lắp, chế tạo trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại LILAMA tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp chính.

[Lý do khiến Bộ TN-MT bất ngờ hủy thanh tra loạt dự án bất động sản]

Thứ nhất là tập trung hoàn thành công tác quyết toán, thu hồi công nợ còn tồn đọng, kéo dài tại dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành (riêng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, hết thời gian bảo hành 3 năm, khoản công nợ chủ đầu tư PVN chưa thanh toán cho tổng thầu LILAMA khoảng 1.415,5 tỷ đồng).

Thứ hai, đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện LILAMA, tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tăng cường công tác quản lý, điều hành trực tiếp của công ty mẹ, nhằm nâng cao hiệu quả, vai trò, năng lực của các đơn vị trước tiếp quản lý, điều hành thi công tại các dự án…

Thứ ba là thực hiện thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư tài chính không thực sự đem lại hiệu quả cho hoạt động của tổng công ty.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai công tác thoái giảm vốn nhà nước về 51% trong năm 2019 tại LILAMA theo đúng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 20/6/2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.