Bộ Xây dựng chỉ ra loạt ‘lỗ hổng’ trong công tác phòng cháy chữa cháy

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) được ban hành, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khác, các công trình tuân thủ quy chuẩn thường ít xảy ra cháy lớn; khi không may xảy ra sự cố cháy lớn cũng có ít người thương vong.

Tuy vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về phòng cháy chữa cháy còn chưa nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; thậm chí tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai.

“Lỗ hổng” từ nhận thức

Ngày 10/5/2023, Bộ Xây dựng đã có báo cáo số 103/BC-BXD báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, hiện nay, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình thường xuyên được sử dụng (không bao gồm các tiêu chuẩn thử nghiệm), gồm có 9 quy chuẩn, 25 tiêu chuẩn về nhà ở, công trình; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.

Nhìn chung, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn nếu so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, một số lĩnh vực chuyên sâu khác có thể áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

[Kiểm tra an toàn lao động, chống cháy nổ ở 40 doanh nghiệp, công trình]

Đặc biệt, từ khi QCVN 06 được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/11/2022, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khác, theo các số liệu thống kê, các công trình tuân thủ quy chuẩn thường ít xảy ra cháy lớn; khi không may xảy ra sự cố cháy lớn cũng có ít người thương vong hơn.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), giai đoạn từ năm 2012-2022, số vụ cháy lớn chiếm khoảng 0,8-1,6% tổng số vụ cháy hàng năm; thiệt hại tài sản chiếm khoảng 69-86% tổng thiệt hại hàng năm. Thế nhưng, số người tử vong chỉ chiếm 0-1%.

Dù vậy, qua công tác nắm bắt thực tiễn, đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn nhiều thách thức.

Đơn cử như việc các công trình hiện hữu có vi phạm về phòng cháy chữa cháy được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022 có hiệu lực), mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý. Trong khi, theo các công văn của một số địa phương thì vẫn có việc áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu.

Đáng chú ý, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chiếm tỷ trọng lớn (66,2%). Khi công trình không phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm.

Bộ Xây dựng cho rằng vấn đề trên cần được lưu ý và có giải pháp hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân hiễu, có ý thức tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tương ứng ngay từ khâu thiết kế, tránh để tình trạng công trình xây xong rồi khó khắc phục, sửa chữa.

“Nếu không, sau 5-10 năm tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lại phải bàn phương án tháo gỡ cho các công trình vi phạm,” ông Văn nhấn mạnh.

Mặt khác, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2001 đến nay, có khoảng 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư còn hạn chế.

Những người lính cứu hỏa sẵn sàng lao vào lửa để cứu người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Phân tích các khó khăn, vướng mắc nêu trên cho thấy chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về phòng cháy chữa cháy chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Còn tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai,” ông Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.

Thống nhất cách thực hiện

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ Xây dựng cho rằng cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ như: Sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, tập trung một đầu mối để thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó, để đảm bảo sự chuyến tiếp ổn định, thống nhất trên cả nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phương án: Bộ Công an chủ trì, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; các tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy. 

Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các nhóm giải pháp tǎng cường, bổ sung về phòng cháy chữa cháy cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với các nhóm giải pháp với từng loại công trình.

Ở phương án này, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn cơ sở có tồn tại về phòng cháy chữa cháy thực hiện giải pháp tăng cường, bổ sung căn cứ trên điều kiện, tình huống cụ thể của cơ sở; hướng dẫn các cơ sở và cơ quan quản lý theo phân quyền thực hiện các giải pháp tǎng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy chữa cháy để các cơ sở sớm được khai thác sử dụng trở lại.

Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Công an và các bộ ngành, địa phương phối hợp tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình; kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khǎn.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đề xuất sửa đổi quy định về hiệu lực của các tiêu chuẩn theo hướng tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn cũ (không hủy bỏ tiêu chuẩn cũ); có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cập nhật, sửa đổi quy chuẩn theo hướng cho phép chỉ sửa đổi một số nội dung mà không phải ban hành phiên bản quy chuẩn mới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Xây dựng, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu xây dựng chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về an toàn cháy cho nhà và công trình trong các trường đai học, cao đẳng về xây dựng, kiến trúc../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục