Bộ Xây dựng đặt mục tiêu nâng diện tích bình quân nhà ở của người dân

Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu nâng diện tích bình quân nhà ở của người dân ảnh 1Một khu nhà ở xã hội của Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Nâng diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt con số 23,4 m2 sàn/người là mục tiêu được Bộ Xây dựng đặt ra cho năm 2017. Mục tiêu này tăng 0,6 m2 sàn/người so với kết quả đạt được của năm 2016 là 22,8 m2 sàn/người.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2017, việc phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, các địa phương cần quan tâm và tập trung chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; đồng thời, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên trong chỉ đạo điều hành của địa phương.

Về phía Bộ Xây dựng, thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội. Bộ sẽ kiểm soát chất lượng các dự án nhà ở xã hội, bảo đảm nhà ở giá thấp nhưng chất lượng không thấp và người dân phải được hưởng đầy đủ hạ tầng cơ bản, kể cả hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.

Trong năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với kế hoạch; chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm, trong khi còn thiếu các cơ chế, chính sách cần thiết để thu hút các nguồn lực xã hội, tạo nguồn vốn ổn định cho thị trường bất động sản. Việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn khó khăn do lợi nhuận thấp, chưa có đủ quỹ đất sạch và thuận lợi về vị trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.