Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận Lê Minh Định cho biết, loài bọ xít chích người xuất hiện tại phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) được xác định là loài bọ xít hút máu.
Các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền cho nhân dân cách phát hiện và biện pháp phòng chống, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Sau khi phát hiện bọ xít đốt người tại phường Phước Mỹ, Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh đã lấy 5 mẫu vật phẩm gửi Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn để phân tích định loại.
Kết quả định loại, tất cả các mẫu vật phẩm này đều là loài Triatoma Rubrofasciata, loài bọ xít hút máu đã được phát hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, bọ xít hút máu thuộc họ Rerduviidae là bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptea) lớp côn trùng (Insecta). Trong họ này phần nhiều là côn trùng có ích, chuyên săn bắt côn trùng khác để ăn. Song cũng có một số loài là những loài bọ xít hút máu, có kim chích dài ba đốt, rất khỏe.
Bọ xít hút máu có chiều dài từ 1-3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Bọ xít hút máu động vật, khi không có động vật, chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có ở cả những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt trên trần nhà, dưới đống củi...
Chúng có thể làm ổ cả trong lẫn ngoài nhà. Ban ngày, bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối, đêm đến mới hoạt động nên khó phát hiện sự có mặt của chúng.
Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận Lê Minh Định cũng cho biết, đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào bị bệnh do bọ xít hút máu là trung gian truyền bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể chích người nên mọi người cần phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chú ý vệ sinh nơi ẩm thấp, khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới nệm.
Nếu thấy chúng xuất hiện, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết, rồi bỏ vào thùng rác; nếu phát hiện vào ban đêm, hãy tắt đèn và dùng đèn pin để tìm bắt, tiêu diệt. Ở khu vực đã phát hiện có bọ xít hút máu nên ngủ trong màn và giắt màn cẩn thận, ngăn không cho bọ xít chui vào chích người./.