Bộ Y tế: Biến thể BA.2.75 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam

Nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể BA.2.75 đặc biệt đáng chú ý do có một số đột biến giúp lẩn tránh miễn dịch và dễ xâm nhập vào tế bào con người.
Bộ Y tế: Biến thể BA.2.75 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam ảnh 1 Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron, trong đó có BA.2.75 với khả năng lây nhanh, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo các trường hợp mắc COVID-19.

Nhiều địa phương bổ sung số ca mắc lớn

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Như vậy, ngoài biến thể BA.4, BA.5, BA.2.12.1 đã ghi nhận trước đó, Việt Nam mới ghi nhận thêm biến thể phụ BA.2.75 của Omicron.

Trước đó, vào đầu tháng Bảy, nhiều nước trên thế giới ghi nhận biến thể BA.2.75 của Omicron. Nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể BA.2.75 đặc biệt đáng chú ý do có một số đột biến giúp lẩn tránh miễn dịch và dễ xâm nhập vào tế bào con người.

Theo Cục Y tế Dự phòng, hiện tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và Việt Nam. Ngoài ra, thời gian gần đây có một số địa phương thông báo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Cụ thể, ngày 4/8, Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.

Ngày 6/8, Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 152.485 ca trên hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin.

Trong ngày 11/8, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 4.408 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.

Theo Bộ Y tế, ca COVID-19 mới ngày 15/8 tăng lên 1.695, tăng hơn 200 trường hợp so với ngày trước đó. Trong ngày, số bệnh nhân khỏi gấp gần 6 lần ca mới; bệnh nhân trong tình trạng nặng cũng tăng lên.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.367.479 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.603 ca nhiễm).

Rà soát số liệu, báo cáo kịp thời

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Biểu đồ về số ca mắc mới COVID-19 trong 10 ngày qua:

Bộ Y tế: Biến thể BA.2.75 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam ảnh 2

Thống kê gần đây cho thấy, số ca nặng gia tăng so với trước đó có thời điểm chỉ hơn 20 trường hợp đang điều trị, liên tục các ngày qua, bệnh nhân nặng đang điều trị thường trên 100 ca/ngày.

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Cục Y tế Dự phòng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc COVID-19.

Các đơn vị y tế chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Đặc biệt, các cơ sở điều trị tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Các đơn vị cần tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục