Sáng 13/7, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đã có cảnh báo cần lưu ý có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời với mùa dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến.Theo ông Phu, bình thường tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trong tháng 7, tháng 8 thì năm nay ngay tháng 5, tháng 6 đã xuất hiện nhiều.
Ông Phu nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng lưu ý rằng từ nay đến cuối năm nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra phức tạp. Hiện nay mới bước vào thời điểm dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu và đang gia tăng."
Dịch sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung chiếm tới 85% tổng số ca bệnh sốt xuất huyết trên cả nước. Khu vực phía Bắc ghi nhận chủ yếu ở Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ của năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.
[Cao điểm bệnh sốt xuất huyết: Số ca bệnh ở miền Bắc tăng 400%]
10 tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Đồng Tháp…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết; Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay rửa bình hoa…
Hàng tuần người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảng chai, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.