Bộ Y tế ký cam kết thực thi môi trường không khói thuốc

Sáng 28/12, Bộ Y tế đã tổ chức buổi ký cam kết thực thi môi trường không khói thuốc và tập huấn công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ quan Bộ.
Bộ Y tế ký cam kết thực thi môi trường không khói thuốc ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 28/12, Bộ Y tế đã tổ chức buổi ký cam kết thực thi môi trường không khói thuốc và tập huấn công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ quan Bộ.

Hoạt động trên nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Phòng-Chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường cơ sở y tế xanh sạch đẹp.

Bộ Y tế tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục, thanh tra về việc thực thi môi trường không khói thuốc lá nhằm đưa việc quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ và bình xét thi đua khen thưởng của đơn vị; có hệ thống biển báo cấm hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị, có các tranh ảnh, ápphích...

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trong đó, có đến 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá); 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, tại Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá; đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người/năm theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thống kê từ Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%, không hút thuốc lá chỉ chiếm 3,2%. Đặc biệt, những nghiên cứu đã chỉ ra, khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện đặc biệt là nicotine.

Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.

Chính vì vậy, ngành y tế đang quyết tâm xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc cũng chính là bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế giúp họ làm việc hiệu quả hơn, bảo vệ được hình ảnh đẹp của người thầy thuốc, tạo môi trường và không khí trong lành giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn, giảm thiệt hại về kinh tế do chi phí hút thuốc giảm, giảm chi phí vệ sinh môi trường và phòng-chống cháy, nổ.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá bước đầu được triển khai tại 6 bệnh viện đại diện cho 3 vùng, miền trên cả nước.

Mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đang được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng như Huế, Nha Trang, Hải Phòng, Hạ Long, Hội An.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục