Chiều 28/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị COVID-19 để giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Hội nghị tập trung hướng dẫn cho các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai các Hướng dẫn của Bộ Y tế về thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam đã ghi nhận trên 410.000 ca mắc, trên 10.000 ca tử vong (chiếm 2,45%), gần 50% số ca đã được điều trị khỏi, 50% số ca đang điều trị tại tại 62/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tình hình dịch COVID-19 rất khác nhau ở các tỉnh, thành, với sự gia tăng mạnh mẽ số ca mắc và tử vong, quá tải các bệnh viện và khả năng đáp ứng ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam.
“Mặc dù chúng ta đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong một thời gian dài, gần 2 năm liên tục cả thế giới cùng chống chọi với bệnh dịch này. Tuy nhiên, đây chưa phải thời gian đủ dài để khảng định các phương pháp quản lý, điều trị hay dự phòng dịch COVID-19,” Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Cũng như các nước trên thế giới, chiến lược phòng chống dịch cần được thay đổi cho phù hợp với điều kiện mỗi quốc gia hay phù hợp với mỗi biến chủng COVID-19. Các khuyến cáo, hướng dẫn chuyên môn, bằng chứng khoa học, hiểu biết… luôn được cập nhật trên thế giới và tại Việt Nam.
[Các tỉnh áp dụng biện pháp chống dịch khẩn trương, quyết liệt]
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hàng ngày, hàng giờ, các nhà hoạch định chính sách các chuyên gia, thầy thuốc trong Hội đồng chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19, các nhà khoa học luôn cập nhật, đề xuất, xây dựng các hướng dẫn về chiến lược, chính sách đến các hướng dẫn chuyên môn thực hành lâm sàng, hướng dẫn chăm sóc, dinh dưỡng cho người bệnh, hướng dẫn công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng… làm cơ sở cho các thầy thuốc, nhân viên y tế thực hành trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 tại cộng đồng, tại các cơ sở thu dung, điều trị.
“Các thầy thuốc của chúng ta đã và đang chiến đấu từng giờ, từng phút để chăm sóc, điều trị với mục tiêu mang lại sự khỏe mạnh, cuộc sống cho người bệnh COVID-19,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc tổ chức, quản lý điều hành rất quan trọng, là yếu tố then chốt giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân tử vong.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong tuần qua, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã cùng Hội đồng chuyên môn xây dựng, sửa đổi và ban hành nhiều tài liệu quan trọng để không chỉ triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam mà còn triển khai cho cả nước như Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; Hướng dẫn hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh COVID-19 qua Telehealth; Hướng dẫn bảo đảm oxy y tế đáp ứng tình hình dịch COVID-19; Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn tạm thời danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng hướng dẫn về dinh dưỡng, phục hồi chức năng… cho bệnh nhân COVID-19.
Đây là những tài liệu quan trọng giúp các Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị COVID-19 góp phần giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19.
Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương tháp điều trị 3 tầng, trong đó tầng 1 có 80% là bệnh nhân nhẹ, ít triệu chứng, vì vậy phải hạn chế tối đa, không để bệnh nhân ở tầng 1 lên các tầng 2 và 3.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cấp cứu ban đầu có ý nghĩa quan trọng, không để bệnh nhân diễn biến quá nặng và nguy cơ tử vong khi đến bệnh viện.
Với việc triển khai các Trạm y tế lưu động như hiện nay, việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc người mắc COVID-19 đang có những chuyển biến tích cực, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định.
Cũng theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, lần đầu tiên Bộ Y tế đã thiết lập một mô hình hoàn toàn mới, đó là thành lập Trung tâm Hồi sức điều trị COVID-19 trên toàn quốc, cho phép Giám đốc các bệnh viện Trung ương kiêm Giám đốc các Trung tâm hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
“Có Trung tâm thiết lập xong trong vòng từ 3-7 ngày, đây là là nỗ lực cao của các cán bộ y tế và chính quyền sở địa phương,” Phó Giáo sư Lương Ngọc nhấn mạnh.
Theo báo cáo ban đầu, đã có 10 Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam được thành lập, tiếp nhận trên 6.000 lượt người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch, kịp thời cứu sống và chuyển tầng dưới điều trị tiếp cho trên 2.300 ca bệnh.
Các chuyên gia cũng nhận định, tỷ lệ tử vong đang có chiều hướng giảm, vì vậy cần thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý điều hành, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay từ ban đầu.
Hội nghị tập trung hướng dẫn cho các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai các Hướng dẫn của Bộ Y tế về thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế./.