Ngày 14/5, tại Thanh Hóa, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ míttinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2016 (từ 9-15/5) với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng.”
Sự kiện này là một trong số các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắcxin; duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng; huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.
Phát biểu tại lễ míttinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vắcxin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng được sử dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Hàng năm có khoảng 115 triệu trẻ em sinh ra được tiêm chủng. Nhờ vậy nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế.
Ước tính chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Bởi vậy, tiêm chủng vắcxin được đánh giá là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ để hình thành một thế hệ phát triển đầy đủ về thể chất.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985. Qua 30 năm triển khai, hàng trăm triệu liều vắcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella...
Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn từ 3 đến 5% số trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 10% trẻ 18 tháng chưa được tiêm nhắc các mũi vắcxin sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván; còn 5-10% số huyện, chủ yếu là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng theo kế hoạch.
Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, chính quyền các cấp cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác tiêm chủng mở rộng đối với các hoạt động thường xuyên và chiến dịch; các ban ngành, đoàn thể như giáo dục, quân y bộ đội biên phòng, phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả cùng chung tay với ngành y tế để đưa tiêm chủng phòng bệnh đến với mọi trẻ em.
Các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam...
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), trong những năm qua, nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ Việt Nam, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình tiêm chủng.
Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai thành công Chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella cho 20 triệu trẻ trong thời gian qua và việc đưa vắcxin phòng sởi-rubella vào tiêm chủng thường xuyên. Trong 5 năm qua, tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đã tăng từ 21% lên 69,8%.
Tuần lễ tiêm chủng “Immunization week” là sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm bảo vệ cuộc sống bằng vắc xin phòng bệnh thông qua tiêm chủng được tổ chức từ tuần cuối tháng 4 đến tháng 5 hàng năm bắt đầu từ năm 2011. Đến nay đã có 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc cả 5 châu lục hưởng ứng sự kiện này.
“Tuần lễ tiêm chủng” năm nay do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Chung tay cùng Tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.../.