Brexit không thỏa thuận sẽ mang lại thiệt hại ngang nhau cho Anh và EU

Đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu đang rơi vào bế tắc và không có dấu hiệu dịch chuyển nào được đưa ra từ cả hai phía.
Brexit không thỏa thuận sẽ mang lại thiệt hại ngang nhau cho Anh và EU ảnh 1Toàn cảnh vòng đàm phán thứ nhất về quan hệ Anh-EU hậu Brexit, tại Brussels (Bỉ) ngày 2/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times (Anh) cho rằng không có nghĩa gì khi cứ cố đoán xem liệu Anh và Liên minh châu Âu (EU) có đạt được thỏa thuận về tương lai quan hệ của họ hay không.

Bài báo nhận định mặc dù EU là một bộ máy thương thuyết thỏa thuận hoàn chỉnh, nhưng thời gian chỉ còn có hai tháng nữa mà hiện giờ hai bên chưa đạt được nhất trí cụ thể nào, rõ ràng khả năng thương thuyết có thể đi đến thất bại.

Đàm phán đang rơi vào bế tắc và không có dấu hiệu dịch chuyển nào được đưa ra từ cả hai phía.

Quan điểm đối với vấn đề đánh bắt cá không phải là vấn đề khó giữa hai bên, mà "hòn đá tảng" chính là vấn đề sân chơi bình đẳng mà phía EU đặt ra với Anh.

[Đàm phán thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU kéo dài đến tháng 10]

Trong phạm vi này, mục về trợ giúp nhà nước được coi là một trong những điều gai góc nhất. EU muốn Anh chấp nhận khuôn khổ pháp lý đối với chính sách cạnh tranh giống như EU đang thực thi hiện nay.

Điều mà EU lo ngại là với chính sách trợ giúp ưu đãi của nhà nước, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ cho các công ty để tạo ra lợi thế cơ hội và làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các công ty EU.

Đề nghị của EU đối với vấn đề sân chơi bình đẳng khả năng cao là sẽ không được Thủ tướng Anh Boris Johnson chấp thuận.

Thật dễ dàng để tính toán cái giá phải trả cho Brexit, nhưng khó có thể tính được những lợi ích mà Brexit mang lại, vì điều này còn phụ thuộc vào các chính sách đi kèm.

Chính sách cạnh tranh rõ ràng là một chính sách vô cùng quan trọng. EU lo ngại Anh sẽ hỗ trợ các công ty thép tại xứ Wales hoặc các nhà sản xuất ôtô tại vùng miền Trung nước Anh và sau đó đưa các sản phẩm của họ vào thị trường EU.

Hoặc Anh sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế hoặc các nguyên tắc môi trường.

Để khai thác được những mặt tốt nhất của Brexit, Anh chắc chắn sẽ cần thúc đẩy trợ giúp cho ngành công nghiệp, chủ yếu là các ngành công nghệ cao mới.

Nước Anh có thế mạnh với những đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và quân sự.

Nước Anh, theo các tiêu chuẩn của EU, có thế mạnh ở các lĩnh vực nghiên cứu dược, thế hệ tương lai của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và lĩnh vực quân sự.

Và sẽ là không khôn ngoan nếu để Anh để việc tuân thủ khuôn khổ pháp lý của châu Âu về bảo vệ dữ liệu ảnh hưởng đến làm cản trở ngành trí tuệ nhân tạo non trẻ.

Một điều cần quan tâm hơn đó là sự thay đổi trong chính sách cạnh tranh của EU, theo đó, EU né tránh cách tiếp cận dựa trên pháp luật, quy định mà hướng theo chính trị hóa.

EU hiện nay tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ các lợi ích của châu Âu trước Trung Quốc và các công ty công nghệ của Mỹ.

Thương mại toàn cầu đang thay đổi bản chất. Trước đây, địa lý là yếu tố quyết định chính trong các mối quan hệ thương mại. Nhưng thực tế này đã thay đổi nếu tính đến vai trò của dữ liệu.

Trong dài hạn, các công nghệ như in 3D sẽ làm các chuỗi cung ứng hiện nay trở nên lỗi thời. Nếu như Anh muốn khai thác được mặt thành công của Brexit, Anh cần khai thác các cơ hội về công nghệ cao mà EU đã bỏ lỡ hoặc có nguy cơ bỏ lỡ.

Quản lý tốt Brexit có nghĩa là chấp nhận các giá phải bỏ ra trong ngắn hạn để có được những lợi ích trong dài hạn.

Một thỏa thuận là điều đáng được mong ước nếu đó là khuôn khổ cho hợp tác tương lai. Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng cần có được thỏa thuận bằng mọi giá. Anh cần ưu tiên khai thác những tiềm năng của Brexit hơn là hạn chế cái giá phải trả cho tiến trình này.

Trừ phi các nhà lãnh đạo EU thay đổi sứ mệnh đàm phán của họ, lúc đó mới có hy vọng đạt được thỏa thuận.

Lãnh đạo các nước EU chưa thể tập trung hết sức vào các cuộc đàm phán thương mại với Anh mà họ còn đang bận rộn với các vấn đề khác như đối phó với đại dịch COVID-19, quỹ phục hồi EU, và gần đây nhất là những căng thẳng giữa các nước đông Địa Trung Hải với Belarus.

Lãnh đạo các nước EU có thể phải đến tận tháng 10 mới thực sự chú tâm vào đàm phán với Anh. Một thỏa thuận nếu có thể đạt được thì nhiều khả năng sẽ rơi vào phút chót giống như các đàm phán trước đây giữa Anh và EU.

Những phản đối của EU đối với các đề xuất của Anh ở một số lĩnh vực là điều có thể hiểu được.

EU cũng đúng khi nhất quyết yêu cầu có một khuôn khổ rõ ràng cho những nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ.

Nhưng quan điểm của EU đối với vấn đề sân chơi bình đẳng là một cách tiệm cận sai. Cách thức để xử lý các vấn đề bán phá giá trong các thỏa thuận thương mại là thông qua tổ chức thương mại quốc tế hoặc qua trọng tài.

Hiện quá nhiều tập trung vào tranh luận về việc Anh sẽ gặp những rủi ro hay tổn thất nào nếu London rời EU mà không đạt được thỏa thuận.

Nhưng Financial Times cho rằng không chỉ Anh mà cả EU cũng sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vì EU sẽ mất đi một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và một đồng mình có vị trí địa lý gần gũi nhất. Cái giá của một Brexit không thỏa thuận có thể sẽ được chia đều cho cả Anh và EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.