Một nhà máy ở Bỉ vừa triển khai dự án "Brussels Beer" sử dụng bánh mỳ thừa ở các siêu thị để sản xuất bia, quay lại thời cổ xưa khi bánh mỳ chứ không phải lúa mạch là thành phần chính để sản xuất loại đồ uống phổ biến này.
Sebastien Morvan 31 tuổi, một trong những người đưa ra dự án, cho biết ý tưởng trên nảy sinh khi anh trò chuyện với một người bạn về tình trạng lãng phí lương thực, đặc biệt bánh mỳ, ở các siêu thị do các nhà quản lý vứt bỏ bánh mỳ cũ để cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng trong ngày.
Morvan cho rằng 20% lượng lương thực bỏ đi ở Thủ đô Brussels là bánh mỳ, trong khi có thể thay thế 30% lượng lúa mạnh để sản xuất một chai bia bằng một lát rưỡi bánh mỳ.
Điều này đồng nghĩa việc ủ 4.000 lít bia sẽ tiêu thụ được 500 kg bánh mỳ thừa.
Morvan đã tìm ra công nghệ ủ bia mới, đồng thời sử dụng nhân công cắt và sấy khô bánh mỳ thừa ở các siêu thị xung quanh để cung cấp cho nhà máy của anh.
Công thức làm bia lâu đời nhất còn được sử dụng đến ngày nay có từ cách đây 4.000 năm thuộc vùng Mesopotamia cổ kính nằm trong hệ thống sông Tigris- Euphrates, sử dụng những ổ bánh mỳ dày làm từ nhiều loại ngũ cốc và trộn với mật ong.
Loại bia mới được sản xuất tại nhà máy của Morvan hiện đại hơn, sử dụng cây hoa bia nhập từ Mỹ và Anh, và được ủ bằng men chứ không dựa vào quá trình lên men tự phát.
Nhà máy của Morvan từng thất bại trong suốt một năm thử nghiệm công thức cổ và chỉ thành công khi họ tìm ra tỷ lệ thích hợp giữa bánh mỳ và lúa mạch, cũng như cách thức cắt các lát bánh mỳ sao cho nguyên liệu này không làm tắc lò ủ.
Kết quả là họ đã cho ra đời mẻ bia có tên gọi "Babylone" nồng độ 7%, màu hổ phách và hơi có vị mặn của bánh mỳ.
Hiện tại, loại bia này đang được bán cho các quán càphê và quán bar trong khu vực./.