Buýt Hà Nội: Sản lượng khách phục hồi chậm, doanh thu bán vé sụt giảm

Sản lượng hành khách và doanh thu bán vé xe buýt Hà Nội bị sụt giảm nghiêm trọng và hiện đang phục hồi chậm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi cơ bản thói quen, nhu cầu đi lại của khách.
Các xe buýt vào đón, trả khách tại trạm chờ trên đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chín tháng vừa qua, các hoạt động chủ yếu của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) gặp nhiều khó khăn như tần suất xe buýt thấp, doanh thu bán vé sụt giảm, hoạt động dịch vụ bến xe khôi phục chậm so với thời điểm trước dịch.

Đánh giá các hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục trở lại trong trạng thái bình thường mới từ tháng Tư sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Transerco nhìn nhận, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi cơ bản thói quen, nhu cầu đi lại của hành khách, các tuyến buýt hoạt động 50-85% công suất dẫn đến sản lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng và hiện đang phục hồi chậm, doanh thu bán vé đạt chưa đến 50% so với chỉ tiêu đấu thầu đặt hàng.

Ngoài ra, ông Nam cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, phát sinh ở nhiều khu vực dẫn đến thời gian chuyến xe bị kéo dài, ảnh hưởng đến biểu đồ vận hành, thời gian đi lại của hành khách; hạ tầng một số điểm dừng đỗ bị hư hỏng, bị mất gây bất tiện cho hành khách; thiếu hụt nguồn cung lao động, thợ kỹ thuật…

Cụ thể, trong chín tháng đầu năm, sản lượng km vận chuyển ước đạt khoảng 76,5%; sản lượng hành khách vé lượt ước đạt 49% so với đặt hàng, đấu thầu, tăng 62% so với thực hiện cùng kỳ. Doanh thu sau phân bổ ước đạt 43,8% so với chỉ tiêu đấu thầu đặt hàng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã đề xuất liên ngành và thành phố xem xét điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu xe buýt năm 2022 cho phù hợp với tình hình thực tế do nguyên nhân khách quan và phê duyệt đơn giá cho tuyến xe buýt nhanh BRT01 làm cơ sở thanh quyết toán chi phí hoạt động phù hợp với thực tế nhằm bảo toàn vốn nhà nước

Các tuyến buýt sân bay tiếp tục tăng chuyến lượt, nâng cao hiệu suất khai thác, tuy nhiên sản lượng khách chưa đạt được 60% so với thời điểm trước dịch. Trong quý 3, tuyến 86 đạt tỷ lệ khách bình quân là 15 khách/lượt, trung bình 9 tháng đạt tỷ lệ 12,4 khách/lượt. Tuyến 68 trung bình chín tháng đạt 9,8 khách/lượt, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (9,4 khách/lượt).

Do thiếu hụt nguồn khách nước ngoài, tuyến buýt Citytour đã phải giảm giá vé để thu hút khách trong nước, sản lượng hành khách đạt gần 57.000 lượt, cao hơn cùng kỳ năm 2019 với số chuyến lượt chỉ bằng 44%.

[Hình ảnh xe buýt Hà Nội có sự chuyển biến về chất lượng, dịch vụ]

Trước bối cảnh đó, ông Nam cho biết Transerco đã triển khai các nhóm giải pháp như đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước và triển khai điều chỉnh lộ trình, hợp lý hóa biểu đồ xe buýt chạy; phối hợp khắc phục, xử lý các điểm dừng đỗ xe buýt bị mất, hư hỏng, mất an toàn giao thông; đưa vào hoạt động 15 xe buýt mới thay thế cho các xe đã hoạt động 10 năm và trong quý 3/2022 tiếp tục triển khai đầu tư 24 xe buýt mới thay thế cho các xe cũ theo yêu cầu của hợp đồng thầu.

Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, Transerco rà soát, đánh giá biểu đồ, luồng tuyến, hạ tầng để đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả cho từng tuyến cụ thể; điều chỉnh lộ trình các tuyến tránh khu vực ùn tắc và nghiên cứu mở rộng vùng phục vụ đến các khu vực có nhu cầu đi lại; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật và bảo dưỡng sửa chữa phương tiện; nâng cao chỉ tiêu chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục