Sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Hà Nội tăng trên 25%

Những tháng qua thành phố đã mở mới và đưa vào hoạt động 11 tuyến buýt; trong đó, có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện.
Sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Hà Nội tăng trên 25% ảnh 1Trạm xe buýt Thượng Đình. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Thủ đô đạt 212,7 triệu lượt hành khách, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng hành khách bắt đầu phục hồi từ quý 2 năm 2022 và tăng dần những tháng tiếp theo.

Có được kết quả này là do những tháng qua thành phố đã mở mới và đưa vào hoạt động 11 tuyến buýt; trong đó, có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn mạng lên 9 tuyến; điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 35 tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố.

Đồng thời, Hà Nội cũng điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt đối với 8 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 14 tuyến buýt để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân…

Đặc biệt, việc đầu tư cải tạo hạ tầng phục vụ xe buýt cũng được quan tâm, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.

[Lộ trình chuyển đổi xe buýt chạy xăng sang xe buýt điện tại Hà Nội]

Hiện nay, thành phố có 154 tuyến buýt; trong đó, có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Mạng lưới xe buýt đã phủ kín các quận, huyện, thị xã và ngày càng tiếp cận tới các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, khu công nghiệp lớn, khu đô thị, làng nghề, khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch và kết nối với 7 tỉnh lân cận gồm Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân với nhiều giải pháp như đầu tư kết nối, khép kín các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu, tuyến có tính liên vùng, hệ thống cầu qua sông, nút giao thông trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông...

Bên cạnh đó, thành phố triển khai rà soát, bố trí vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại đô thị, công trình bảo đảm an toàn giao thông cho đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục