Người dân không chủ quan, lơ là và không hoảng sợ, lo lắng về dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của từng nhà, tới học sinh tới trường và đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng với các quận, huyện, sở, ngành liên quan, chiều 14/2.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhấn mạnh việc kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở y tế đến thời điểm này cơ bản là hiệu quả. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong và chuyển nặng tại Hải Phòng thấp so với mức trung bình. Hải Phòng không thiếu kinh phí để phòng, chống dịch trong bất kỳ tình huống nào. Thành phố có những nguyên tắc ứng xử chung nhưng cũng đề cao những ứng xử riêng để phù hợp với đặc thù, tình hình phòng, chống dịch của từng địa phương. Ví dụ như việc thành lập Tổ chăm sóc y tế cộng đồng nên để các địa phương tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Nhận định của Sở Y tế Hải Phòng, dịch COVID-19 tại thành phố đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Dịch bệnh từ cộng đồng có nguy cơ xâm nhập vào các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp (VSIP, Tràng Duệ, An Dương,...) là những đơn vị có số lượng người lao động lớn. Dịch bệnh cũng lây lan vào các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, gây khó khăn cho việc kiểm soát, khống chế. Số lượng chuyên gia nhập cảnh về Hải Phòng nhiều. Biến thể Omicron với tốc độ lây lan mạnh hơn biến thể Delta 4-5 lần. Khả năng xâm nhập của biến thể này vào thành phố là rất cao...
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại diện các quận, huyện, sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán; đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung cao hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, hoang mang và đối với việc tự ý sử dụng thuốc, gây nhiều tác dụng phụ.
[Hải Phòng điều chỉnh cách ly và xét nghiệm đối với F0 và F1]
Các ca F0 được ở nhà điều trị, F1 xét nghiệm âm tính được tiếp tục làm việc, học tập bình thường. Tất cả các nhà trường mở cửa đón học sinh, trường nào học bán trú vẫn tổ chức bán trú bình thường.
Thành phố quyết định không mở thêm Trạm y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các trạm này. Thành phố huy động sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ ngày 16/2-16/3 hỗ trợ Trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao; đồng thời giao Sở Y tế bố trí thời gian phù hợp để các em tiếp tục duy trì việc học tập tại trường.
Đối với việc thành lập Tổ chăm sóc tại cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý phương án tổ chức thí điểm tại các địa phương có số ca mắc cao như tại huyện An Dương, các quận Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận, huyện từ tổ chức 5-6 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tham gia. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các xã, phường sẽ hoạt động chung địa điểm với Trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng nhân lực điều trị tại tầng 2, có kế hoạch chuẩn bị lực lượng nhân sự từ các bệnh viện khác về Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp, từ các khoa khác sang khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Thành phố sẽ tích cực xin phân bổ thuốc điều trị từ Bộ Y tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị COVID-19 không đúng theo quy định. Lãnh đạo thành phố khuyến khích người dân tự mua bộ kít thử, thử và khai báo khi có kết quả dương tính với chính quyền địa phương./.