Cả nước đã ghi nhận hơn 54.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết

Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị, trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện.
Trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 54.236 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2022 (138.928/75), số mắc sốt xuất huyết giảm 61%, số trường hợp tử vong giảm 63 trường hợp.

Riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị, trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo. Trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, song chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

[Bệnh viện quá tải vì số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở các tỉnh thành]

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi./.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục