Ngăn chặn các nguồn lây bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Để kiểm soát được bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, không lây lan, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước; thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng.
Ngăn chặn các nguồn lây bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ảnh 1Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN phát)

Nắng nóng kéo dài, cộng thêm diễn biến thời tiết bất thường do hiện tượng El Nino (thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều) là nguyên nhân chủ yếu của nhiều dịch bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh liên quan đến sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Vì vậy, bên cạnh các biện pháp tích cực của ngành y tế, mỗi cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, ngừa, vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ.

Các ca bệnh có chiều hướng gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, đầu tháng 7, sốt xuất huyết có nhiều bất thường. Riêng trong tuần đầu tháng 7, thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong; từ đầu năm đến đến trung tuần tháng 7, Hà Nội có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.

Các khu vực có ổ dịch hàng năm diễn biến phức tạp cả ở khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành. Đặc biệt là các huyện vùng ven tiếp giáp, như Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 48 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó 13 ổ dịch còn đang hoạt động. Từ kết quả kiểm tra giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ.

Đối với bệnh tay chân miệng, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 14/7, Hà Nội ghi nhận 961 ca bệnh, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đáng nói, nhiều ca tay chân miệng nhiễm chủng virus nguy hiểm Entero virus 71 (EV71) thường khiến bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng và có thể tử vong. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh và nhận biết những dấu hiệu cần nhập viện là rất quan trọng.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đối với bệnh sốt xuất huyết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 8.519 ca bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, Sở Y tế dự báo theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10.

Cũng trong tháng 6/2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2.690 ca mắc tay chân miệng. Từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2023, thành phố có 4.500 trẻ mắc tay chân miệng.

[Cấp miễn phí viên sát khuẩn hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch bệnh]

Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018, Ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.

Tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến ngày 10/7, toàn tỉnh ghi nhận 686 ca mắc tay chân miệng. Riêng trong tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 275 ca, vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Dự báo số ca mắc tay chân miệng tại Khánh Hòa sẽ ở mức cao vào tháng tiếp theo. Các trường hợp mắc tay chân miệng tập trung ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống (chiếm 93,1%). Đa số trẻ mắc tay chân miệng đều mắc chủng Enterovirus 71. Đây là chủng có độc lực cao, trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tuần 28 (từ 7/7-13/7) một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, trong tuần ghi nhận 595 ca mắc tay chân miệng; cộng dồn số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay là 3.026 ca. Số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng, toàn tỉnh ghi nhận 132 ca vào viện do mắc sốt xuất huyết Dengue (trong đó có 67 ca trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 50,76%), không ghi nhận ca tử vong.

Vệ sinh sạch sẽ, ngăn chặn nguồn lây

Trước tình hình đánh giá, dự báo về dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, gửi cho tất cả các địa phương trên toàn quốc để từ đó các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành đến các vấn đề chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác.

Trong công tác phòng, chống dịch, ngành y tế cũng kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, đặc biệt mỗi gia đình, mỗi người dân cùng tham gia.

Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.

Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học. Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác nhưng có một tỷ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng, như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Ngăn chặn các nguồn lây bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ảnh 2Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng có thể kể đến, như nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng, sốt cao liên tục không hạ, dễ nôn ói, run tay run chân, đi không vững, thở mệt, ngủ thường bị giật mình. Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa như ngăn chặn nguồn lây, vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng. Để phòng, bệnh các bác sỹ lưu ý người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp "3 sạch."

Bàn tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn và trẻ em). Chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ăn sạch: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Ở sạch: thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virrus Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt, giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Để kiểm soát được bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, không lây lan, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước, như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại..., để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng; lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải... Khi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài để đề phòng muỗi đốt; phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Bên cạnh đó, quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch; đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết, tay chân miệng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục