Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn báo chí sở tại cho biết, Hiệp hội Du lịch Có trách nhiệm Italy (Italian Association for Responsible Tourism - AITR) cuối tuần qua đã quyết định tạm dừng các hoạt động lữ hành của Hiệp hội tới Ai Cập, cho tới khi vụ sát hại nghiên cứu sinh tiến sỹ người Italy Giulio Regeni được làm sáng tỏ.
Trong một tuyên bố, AITR cho hay các công ty du du lịch thành viên của AITR thống nhất ngừng các chuyến bay và hủy tất cả các hợp đồng đưa khách tới Ai Cập được ký trong tháng 4/2016, do giới chức Ai Cập đã không thể làm rõ sự thật liên quan đến cái chết của nghiên cứu sinh nói trên.
Regeni, 28 tuổi, từ Đại học Cambridge đến Cairo để nghiên cứu về vấn đề lao động tại Ai Cập. Nghiên cứu sinh này mất tích ngày 25/1 và thi thể không còn nguyên vẹn của anh được tìm thấy sau đó một tuần ở ngoại ô Cairo.
Các kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Regeni đã bị tra tấn trước khi chết. Sau vụ việc này, mối quan hệ giữa Italy và Ai Cập trở nên căng thẳng khi Rome gia tăng áp lực hối thúc Cairo làm rõ nguyên nhân cái chết của nghiên cứu sinh Regeni.
Ngành du lịch của Ai Cập đã rơi vào khủng hoảng sau vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại Bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10/2016. Ông Elhamy El-Zayat, Chủ tịch Liên đoàn các phòng du lịch Ai Cập, cho rằng quyết định nói trên của AITR có thể sẽ khiến thiệt hại của ngành du lịch Ai Cập tăng gấp đôi.
Theo ông El-Zayat, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Marsa Alam, điểm đến ưa thích nhất của du khách Italy.
Theo thống kê chính thức, doanh thu từ du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập, đã sụt giảm nghiêm trọng từ 7,3 tỷ USD năm 2014 xuống còn 6,1 tỷ USD vào cuối năm 2015, so với con số hơn 12 tỷ USD năm 2010, thời điểm trước khi xảy ra cuộc chính biến mùa Xuân 2011.
Sau vụ máy Nga bị tấn công khủng bố tại Sinai hôm 31/10/2015, khách du lịch quốc tế tới đất nước Kim tự tháp đã giảm mạnh, trong đó, lượng du khách Italy tới Ai Cập năm 2015 chỉ đạt 332.000 lượt người, giảm 16% so với năm 2014.
Ông Adel Rady, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư du lịch tại Marsa Alam, nhận định rằng quyết định mới nhất của AITR sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi của ngành du lịch Ai Cập nói chung và Marsa Alam nói riêng.
Chủ tịch AITR Maurizio Davolio nêu rõ Ai Cập là đối tác rất quan trọng đối với các công ty du lịch Italy, nhưng các công ty lữ hành Italy quyết định ngừng đưa khách tới quốc gia Bắc Phi này cho tới khi cái chết của nghiên cứu sinh tiến sĩ Regeni được điều tra cụ thể.
Ngày 26/3 vừa qua, Chính phủ Italy tiếp tục lên tiếng yêu cầu Ai Cập phải tiếp tục làm rõ hơn về nguyên nhân cái chết của nghiên cứu sinh Regeni. Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 10/3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập hợp tác điều tra vụ nghiên cứu sinh người Italy bị tra tấn và sát hại.
Nghị quyết của EP yêu cầu các nhà chức trách Ai Cập cung cấp các thông tin minh bạch và tài liệu cần thiết để phục vụ công tác điều tra liên quan đến cái chết của công dân châu Âu này, đồng thời kêu gọi Cairo phải đưa những kẻ giết người ra xét xử./.