Các địa phương siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Tỉnh Thừa Thiên-Huế tạm thời không đón các tàu biển du lịch cập bến tại Cảng Chân Mây và tạm đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar... để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Các địa phương siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ảnh 1Thưa thớt khách du lịch tham quan Cố đô Huế do tác động của dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tại cuộc họp ngày 13/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định sẽ thành lập "Sở chỉ huy tiền phương" về dịch tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tỉnh tạm thời không đón các tàu biển du lịch cập bến tại Cảng Chân Mây và tạm đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar... để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hiện có ba bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), trong đó, hai trường hợp phát hiện khi đang lưu trú tại Quảng Nam được đưa ra điều trị tại Thừa Thiên-Huế. Sức khỏe các bệnh nhân ổn định.

[Cách ly bệnh nhân thứ 31 nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện TW Huế]

Học sinh trên toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3/2020. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang triển khai chương trình học tập cho khối lớp 9 và 12 thông qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện chủ động triển khai học tập cho học sinh trên sóng truyền hình.

Đồng Nai lập thêm 3 khu cách ly tập trung 

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, tỉnh Đồng Nai chủ động thành lập thêm 3 khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch và Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Trước đó, tỉnh đã có 4 khu cách ly tập trung với sức chứa trên 700 bệnh nhân.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh.

Cơ quan chức năng sẽ điều tra, khoanh vùng, rà soát và phun thuốc khử khuẩn khu vực sinh sống của những đối tượng trở về từ vùng dịch, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Theo ông Phan Huy Anh Vũ, trong trường hợp có nhiều người nghi ngờ mắc và mắc COVID-19, Sở Y tế sẽ liên kết với các đơn vị như Sư đoàn 309, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai và Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI để phục vụ công tác cách ly, theo dõi.

Hiện tại khu cách ly của Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 có khoảng 300 giường có thể hoạt động ngay, công suất phục vụ tối đa khoảng 800 người.

Tính đến ngày 12/3, toàn tỉnh có 28 trường hợp đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành; 224 trường hợp đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú và hơn 200 trường hợp khác cần được theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Thái Bình quy định 5 nhóm người bắt buộc phải đeo khẩu trang

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 43 quy định đeo khẩu trang chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, 5 nhóm người bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang thông thường tại nơi làm việc, trong giờ làm việc và những nơi công cộng.

Các địa phương siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ảnh 2Phun thuốc tiêu độc, khử trùng các phòng trong khu cách ly tại Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Cụ thể, nhóm 1 gồm người đến khám bệnh; người nhà đến thăm, người chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

Nhóm 2: giáo viên, học sinh, sinh viên.

Nhóm 3: tiểu thương, nhân viên, người lao động tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nhân viên lễ tân, phục vụ tại khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể.

Nhóm 4: cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; Ban tiếp công dân của tỉnh, huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; nhân viên giao dịch tại các ngân hàng, kho bạc, cơ quan thuế.

Nhóm 5: nhân viên lái xe và phụ xe của các phương tiện giao thông công cộng.

Tỉnh Thái Bình cũng quy định các trường hợp phải đeo khẩu trang y tế gồm: cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp hoặc có tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm; người chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp; người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh hoặc có các triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, như: sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi...; người trong diện phải cách ly y tế tập trung hoặc khi được chỉ định tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tỉnh Thái Bình khuyến cáo đeo khẩu trang đối với những người đến cơ sở khám, chữa bệnh; những người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; những người đến các khu vực tập trung đông người, như bến xe, chợ, siêu thị, trường học, lễ hội và người đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình, cho biết tỉnh sẽ cung cấp khẩu trang cho các nhóm trên theo hướng cấp, bán hỗ trợ trong số khẩu trang dự phòng của tỉnh.

Từ ngày 16/3, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc thực hiện đeo khẩu trang này. Các huyện, thành phố Thái Bình, các cơ quan chức năng khẩn trương lập danh sách, tổ chức cấp bán hỗ trợ khẩu trang cho các nhóm người trên, đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện đeo khẩu trang đối với các nhóm người này.

Ngày 13/3, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” tiếp nhận 6.000 chai gel rửa tay kháng khuẩn, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đơn vị tài trợ.

Số lượng gel rửa tay kháng khuẩn này sẽ được trao tặng 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau đó, các đơn vị này sẽ trang bị cho những điểm tiếp nhận máu, các trạm, điểm sơ cấp cứu trên địa bàn, cấp phát trực tiếp cho người dân.

Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Vĩnh Long Lê Đông Nhạc cho biết đây là hoạt động thiết thực nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn có điều kiện sử dụng sản phẩm rửa tay kháng khuẩn phòng, chống dịch khi trên thị trường mặt hàng này đang khan hiếm; góp phần hạn chế sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh, thể hiện sự chung tay của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vận động các tổ chức, nhà hảo tâm cùng ủng hộ, đồng hành hỗ trợ khẩu trang, gel rửa tay kháng khuẩn... cho người dân vùng sâu, vùng xa, những người không có điều kiện để mua các sản phẩm này.

Song song đó, Hội cũng đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên để đến tận cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục