Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng để giảm thủ tục hành chính; tạo động lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập “yên tâm” làm công tác quản lý, chuyên môn - luật không nên quy định thu tiền thuê đất, sử dụng đất đối với các đơn vị này và không phân biệt đơn vị đã tự chủ hay chưa tự chủ tài chính.
Giảm gánh nặng, tránh hệ lụy phát sinh
Bàn về nội dung trên, tiến sĩ Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết theo quy định tại Điều 118 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính mà sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp sẽ thuộc nhóm trường hợp “Giao đất không thu tiền sử dụng đất.”
Trong khi đó, tại Điều 119 của dự thảo luật quy định về “Giao đất có thu tiền sử dụng đất” cũng không đề cập đến các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình phải nộp tiền sử dụng đất.
Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp không thuộc đối tượng nào được quy định tại Điều 118 và Điều 119 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tức là sẽ thuộc đối tượng “cho thuê đất,” bởi khoản 1 Điều 120 của dự thảo luật quy định: “Nhà nước cho thuê đất đối với các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 118 và Điều 119 của luật này.”
[Ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào một sổ đỏ: Nên hay không?]
Với quy định trên, ông Kiên cho rằng các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ. Bởi các đơn vị này có nguồn thu chủ yếu vẫn là nguồn thu từ học phí của người học (như các nhà trường) hay nguồn thu viện phí của người khám chữa bệnh (bệnh viện)...
Khi các nhà trường hay các bệnh viện phải nộp tiền thuê đất thì số tiền này sẽ phải tính vào chi phí đào tạo, chi phí khám chữa bệnh. Điều này sẽ khiến họ phải phải đẩy mức học phí, viện phí lên cao để bù đắp. Khi học phí, viện phí đẩy lên cao thì nhiều người học sẽ khó có khả năng chi trả, nhiều người bệnh không được cứu chữa kịp thời.
Thực trạng trên có thể dẫn đến việc người học, người khám chữa bệnh và cộng đồng xã hội sẽ phản ứng; an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng và các hệ lụy xã hội sẽ nảy sinh.
Mặt khác, mức thu học phí hay viện phí ở nước ta hiện nay vẫn bị khống chế ở mức thấp. Đơn cử như mức thu học của các nhà trường công lập vẫn đang bị khống chế bởi mức thu được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Do đó, ông Kiên cho rằng với các mức thu học phí theo các Nghị định trên thì các nhà trường không thể có đủ nguồn để nộp tiền thuê đất.
Vì thế, theo ông Kiên, nếu chúng ta đồng nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính giống với các đơn vị kinh tế tư nhân (trường học, bệnh viện tư nhân) để áp dụng các cơ chế giao đất, cho thuê đất như hiện nay thì rất khó khả thi trên thực tế.
Nhiều đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu kiến nghị không thu tiền thuê đất, sử dụng đất với các trường hợp này sẽ tạo động lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ yên tâm hơn trên con đường và lộ trình tự chủ đã chọn.
Liên quan đến nội dung trên, nhiều bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã gửi đề xuất đến Bộ Tài chính, qua đó kiến nghị Nhà nước không thu tiền tiền thuê đất, sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà không phân biệt đã tự chủ hay chưa tự chủ tài chính.
Về phần cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến thuế, Bộ Tài chính cho rằng không nên thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập, bởi việc này sẽ bớt được nhiều thủ tục hành chính rườm rà để chuyển từ “giao đất” sang “thuê đất.”
Chia sẻ với báo chí, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm không nộp tiền thuê đất sẽ tăng cường tính tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như Nghị định 60 của Chính phủ.
Cần mở rộng đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất
Góp ý thêm về quy định “miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,” Tiến sỹ Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra 3 giải pháp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đầu tiên là dự thảo luật cần mở rộng đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Theo đó, không chỉ đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp được hưởng cơ chế này như khoản 1 Điều 118 dự thảo đang quy định, mà cả đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính.
Thứ hai, luật cần mở rộng đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với “các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính hoạt động trong lĩnh vực y tế và giáo dục” được hưởng cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Thứ ba, nếu không mở rộng đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất, khi các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp phải thuê đất thì cần bổ sung quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp được miễn tiền thuê đất.
Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, cũng cho rằng dự thảo luật lần này cần bổ sung thêm các đối tượng, trường hợp được “miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” để đồng bộ, tránh trường hợp luật quy định ít nhưng Nghị định lại mở ra quá nhiều.
Mặt khác, do miễn và giảm tiền thuê đất là quy định cho 2 nhóm đối tượng khác nhau nên ông Cường cho rằng luật cần thiết phải tách thành 2 điều về chính sách miễn và giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng được miễn giảm.
Trên cơ sở đó, ông Cường đề xuất bổ sung đối tượng đất được xét miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất của các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đã được phê duyệt đề án liên doanh, liên kết, cho thuê dưới hình thức đấu giá.
“Nguồn thu này được coi là ngân sách cấp thì nên giản tiện thủ tục hành chính khi các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải vòng qua cơ quan thuế thay vì ghi thu, ghi chi ngân sách tại đơn vị sự nghiệp công lập,” ông Cường nhấn mạnh./.