Các hãng hàng không quốc tế nối lại lịch bay tới Việt Nam ra sao?

Các đối tác đều nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra và thông báo kế hoạch tần suất khai thác chuyến bay chở khách tới nước ta nhưng phải được Chính phủ cấp phép.
Các hãng hàng không quốc tế nối lại lịch bay tới Việt Nam ra sao? ảnh 1Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam.

Theo đó, với kế hoạch do Vietnam Airlines và Vietjet Air đệ trình, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ Ba, Tư, Năm (tổng số tối đa là 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày thứ Ba (2 chuyến); Tư, Năm, Sáu (tổng số tối đa 1.290 ghế).

Đối với phía nước ngoài, ngày 11/9/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư chính thức gửi Nhà chức trách hàng không 4 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác.

Các đối tác đều nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra và thông báo kế hoạch khai thác, trong đó Trung Quốc chỉ định hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu-Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 1 chuyến/tuần.

Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Đài Loan chỉ định China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác Đài Bắc đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.

Riêng các hãng hàng không Hàn Quốc sẽ đệ trình Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch khai thác trong thời gian tới.

[Mở lại đường bay quốc tế: Sẽ hiệu quả nếu cách làm tạo được niềm tin]

Đối với hành khách nhập cảnh, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao nội dung này cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đưa vào quá trình xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài chỉ xem xét làm thủ tục hàng không cho hành khách có thị thực nhập cảnh Việt Nam do các cơ quan chức năng cấp.

Đối với việc vận chuyển khách nối chuyến từ nước thứ ba, Cục Hàng không Việt Nam cũng xây dựng 3 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến.

Phương án 2: Chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; khách phải cách ly đủ 14 ngày và không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày đối với khách nối chuyến.

Phương án 3: Chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; toàn bộ hành khách trên chuyến bay (khách trực tiếp từ đối tác vào Việt Nam và khách nối chuyến từ nước thứ 3 qua đối tác vào Việt Nam) đều không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày.

Đối với việc cung cấp danh sách hành khách và thông tin hành khách, hãng hàng không có trách nhiệm gửi Cảng vụ hàng không tại Cảng hàng không đến danh sách hành khách đặt chỗ 12 tiếng trước giờ dự kiến khởi hành và thông tin hành khách trên chuyến bay  như thông tin trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) trước 30 phút trước khi chuyến bay cất cánh.

Các Cảng vụ hàng không có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển thông tin hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến nêu trên cho cơ quan kiểm dịch y tế, cơ quan xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan tại cảng hàng không.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh đường bay giữa Lào và Việt Nam là Vientiane-Hà Nội và giữa Campuchia và Việt Nam là Phnom Penh-Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị các tỉnh, thành phố công bố các cơ sở lưu trú cách ly, mức phí trọn gói lưu trú và xét nghiệm để khách lựa chọn, công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải đủ điều kiện vận chuyển hành khách từ sân bay tới cơ sở lưu trú và mức phí chi trả; địa phương áp dụng thống nhất quy trình tiếp nhận hành khách cách ly, không có các yêu cầu, quy trình riêng đối với các chuyến bay đã được cấp phép bay; cho phép các hãng hàng không theo dõi sức khỏe tổ bay khi nhập cảnh, hết 48 giờ không có dấu hiệu nhiễm bệnh COVID-19 thì được phép tiếp tục thực hiện các chuyến bay khác./.

Quy trình tiếp nhận khách quốc tế vào Việt Nam

Đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam, trên cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và dựa trên kinh nghiệm của một số nước, Cục Hàng không Việt Nam xây dựng quy trình tiếp nhận khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam.

Theo đó, trong quá trình đặt chỗ, bán vé: Hãng hàng không chỉ đặt chỗ, bán vé cho hành khách khi cung cấp đầy đủ các thông tin (tên, số điện thoại liên lạc của cá nhân  khi ở Việt Nam; địa chỉ, số điện thoại liên hệ cơ sở cách ly tại Việt Nam; số điện thoại của tổ chức đón khách tại cảng hàng không).

Trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in): Hãng hàng không yêu cầu hành khách xuất trình và kiểm tra hộ chiếu, thị thực nhập cảnh và các giấy tờ tương đương; giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp realtime PCR trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (giấy này phải được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại địa bàn xác nhận); các tài liệu xác nhận việc được chấp nhận ở các cơ sở cách ly theo quy định (nhà công vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý); thông tin của tổ chức đón khách tại cảng hàng không.

Trong quá trình làm thủ tục lên tàu bay (boarding): Yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trên tàu bay; yêu cầu cài đặt ứng dụng di động “Vietnam Health Declaration,” “Bluezone” và thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc; đo thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay và từ chối vận chuyển đối với khách có thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục