Các quan chức APEC đối thoại về các hiệp định thương mại tự do

Trong ngày làm việc 27/8, các quan chức cao cấp APEC đã có cuộc đối thoại về các Hiệp định thương mại khu vực và Hiệp định thương mại tự do (RTA/FTA) trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các quan chức APEC đối thoại về các hiệp định thương mại tự do ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) phát biểu khai mạc cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 27/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai hoạt động quan trọng ở cấp quan chức cao cấp APEC đã diễn ra, gồm cuộc họp của Nhóm bạn của Chủ tịch về Kết nối; Đối thoại của APEC về các Hiệp định thương mại khu vực và Hiệp định thương mại tự do (RTA/FTA) trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hơn 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp APEC, đại diện các nền kinh tế, giới học giả và cộng đồng doanh nghiệp đã tham dự.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch về Kết nối. Cuộc họp đã cập nhật tiến độ thực hiện các sáng kiến nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối của APEC, trong đó có kết quả của Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững tại thành phố Hạ Long tháng 6 vừa qua; cập nhật Bản hướng dẫn về phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng; tiến triển của Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC; văn bản tổng kết các thông lệ tốt của Kế hoạch kết nối APEC... Các đại biểu cũng lắng nghe Ban Thư ký ASEAN chia sẻ kinh nghiệm triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.

Tăng cường kết nối là một trong những quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn, nâng cao tính bao trùm, hướng tới hình thành một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, kết nối toàn diện và tổng thể vào năm 2025.

Hướng tới mục tiêu này, năm 2014, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí hình thành khuôn khổ APEC về kết nối, bao gồm các cam kết dài hạn của APEC nhằm tăng cường kết nối khu vực trên cả ba trụ cột: Cơ sở hạ tầng, thể chế và con người. Đến năm 2015, các thành viên đã đề ra lộ trình tổng thể về kết nối APEC giai đoạn 2015-2025.


[APEC 2017: Đẩy mạnh liên kết kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương]

Lộ trình được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy triển khai các chiến lược tăng trưởng của APEC, cải thiện chất lượng mạng lưới giao thông vận tải khu vực, giảm chi phí giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực; tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các chương trình kết nối ở khu vực, thúc đẩy tự do thương mại, gắn kết tài chính và kết nối con người, vì phát triển chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại buổi đối thoại, các thành viên chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết và thực thi các RTA/FTA. Phát biểu khai mạc Đối thoại, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn khẳng định APEC là "nền tảng tốt nhất để thảo luận về các FTA/RTA."

Hiện nay, các thành viên APEC tham gia tổng cộng 165 FTA/RTA, trong đó có 62 Hiệp định là giữa các thành viên APEC.

Chủ tịch SOM cũng nhấn mạnh những lợi ích từ RTA/FTA đóng vai trò rất quan trọng trong tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại và đầu tư trong khu vực.

APEC đang phấn đấu hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 cũng như triển khai các bước chuẩn bị hướng tới thành lập Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

RTA/FTA đang mang lại nhiều lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách của các thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tranh thủ tối đa các lợi ích kinh tế-xã hội của RTA/FTA, đồng thời giảm những bất lợi từ chi phí điều chỉnh, sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập...

Trong tình hình đó, việc APEC tiến hành chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chính sách về đàm phán và ký kết RTA/FTA là hết sức hữu ích và cần thiết để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định xã hội và chia sẻ thịnh vượng chung trong toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm công tác của APEC sẽ bước vào Hội nghị SOM 3 trong hai ngày 29-30/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.