Ngày 31/1, tại các địa phương có đường biên tiếp giáp với các tỉnh của Trung Quốc, như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, đã tăng cường các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, như áp dụng công nghệ thông tin để khuyến cáo cho người dân; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế.
Sử dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch
Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh nCoV lây lan vào Việt Nam, trong đó có việc sử dụng công nghệ thông tin để khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách phòng, tránh; thông tin đến người dân một cách nhanh, chính xác nhất về dịch bệnh.
Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, khuyến cáo người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều người dùng smart phone, đây là cách tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất, chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu; giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.
Thay vì việc in tờ rơi để phát cho người dân hay du khách, tỉnh sử dụng tin nhắn, phần mềm, bảng thông báo để người dân có thể tiếp cận và nắm được. Đồng thời, các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, báo, truyền hình, đài phát thanh, các fanpage của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như Viettel, Mobiphone, Vinaphone nhắn tin cho tất cả các thuê bao di động trên địa bàn về cách phòng ngừa dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để người dân chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu.
Quảng Ninh còn sử dụng mạng xã hội, zalo, nhóm chat, nhắn tin để tuyên truyền, khuyến cáo, cung cấp thông tin cho người dân, cho các cơ quan truyền thông. Trung tâm điều hành thành phố thông minh cũng được sử dụng để cung cấp những thông tin cập nhật, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh.
Người dân có thể tải ứng dụng Smart Quảng Ninh trên các AppStore của điện thoại thông minh; trong đó sẽ có đầy đủ các thông tin về dịch bệnh, y tế, cách chăm sóc sức khỏe, các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, thông tin giao thông, thời tiết... Các thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên, liên tục.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 31/1, Quảng Ninh chưa phát hiện ca bệnh dương tính với nCoV. Số ca viêm đường hô hấp cấp tính có yếu tố dịch tễ liên quan nCoV đang điều trị tại Quảng Ninh gồm 6 ca (Móng Cái: 2 ca, Hải Hà: 2; Ba Chẽ 1; Hạ Long: 1 ca).
Hai ca tại Móng Cái đang được cách ly, theo dõi điều trị tại Trung tâm y tế Móng Cái (trong đó 1 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV), 4 ca có kết quả Realtime-PCR dương tính với cúm A.
Ngày 30/1, Sở Y tế Quảng Ninh đã thành lập 3 nhóm giám sát, hỗ trợ công tác đáp ứng điều trị tại các cơ sở điều trị trong toàn ngành; cấp phát bổ sung môi trường lấy mẫu bệnh phẩm cho các đơn vị; bổ sung vật tư phòng chống dịch.
Kiểm soát chặt hoạt động xuất, nhập cảnh
Đến chiều 31/1, Hà Giang chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV của tỉnh Hà Giang cho biết hiện tỉnh chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã sớm có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
Chiều 31/1, hoạt động xuất nhập khẩu, nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) diễn ra thưa thớt, công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh được thực hiện chặt.
Lực lượng kiểm soát tại cửa khẩu như biên phòng, hải quan, nhân viên y tế túc trực hoạt động 24/24 giờ, giám sát chặt chẽ và khám sơ sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt tất cả các trường hợp xuất, nhập cảnh.
Theo Thượng tá Phan Văn Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, ngoài tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Đồn Biên phòng còn phối hợp với chính quyền và y tế địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu, hạn chế đi lại và cách phòng, chống.
Đến chiều 31/1, tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, ông Minh khẳng định.
Hà Giang có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các huyện, thành phố cũng đã tạm dừng các hoạt động lễ hội đầu Xuân. Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc H'Mông và Festival khèn H'Mông dự kiến diễn ra từ ngày 1-2/2.
Quyết tâm kiểm soát, không để lây lan dịch bệnh
Chiều 31/1, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, của Sở Y tế với các đơn vị trực thuộc.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chỉ đạo trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị cần bình tĩnh, quyết liệt triển khai các giải pháp, quyết tâm kiểm soát, không để lây lan dịch bệnh.
Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch, cung cấp các thông tin chính thống để tránh gây hoang mang trong cộng đồng; xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh theo từng cấp độ cụ thể, tổ chức thực hành theo từng cấp độ, không để bị động bất ngờ khi có tình huống xảy ra.
Tỉnh khẩn trương tổ chức tập huấn về chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ trong hệ thống phòng, chống dịch bệnh các tuyến, làm tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, chủ động thực hiện giám sát dịch bệnh tại cộng đồng…; tiếp tục rà soát chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng cho hoạt động phòng, chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Lạng Sơn Lý Kim Soi, các đơn vị chức năng đã, đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh được bố trí 7 máy đo thân nhiệt từ xa, 100% khách nhập cảnh được đo thân nhiệt và phải khai báo y tế, đồng thời lắp đặt các biển cảnh báo dịch bệnh tại các cửa khẩu, chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch.
[Bộ Văn hóa đề nghị tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc vì virus corona]
Các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu thực hiện giám sát chặt chẽ thân nhiệt 100% khách nhập cảnh và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu; áp dụng khai báo y tế với hành khách nhập cảnh, chuẩn bị phòng cách ly; tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực các cửa khẩu; tăng cường thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc về kiểm soát dịch bệnh; tạm dừng cấp thị thực và giấy thông hành cho công dân, đồng thời tuyên truyền, vận động công dân hạn chế đến các nước đang có dịch.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp mắc bệnh, chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện sốt đến từ các địa phương của Trung Quốc nhập cảnh vào nội địa.
Trước đó, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập 2 Đội phản ứng nhanh với các tình huống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng. Ngành Y tế tổ chức rà soát, kiểm tra dự trữ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị; đẩy mạnh thông tin truyền thông phòng, chống dịch bệnh; kích hoạt hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.
Các cơ sở y tế tổ chức phân loại người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; thành lập đội phản ứng nhanh, kiện toàn các đội cấp cứu lưu động. Để chuẩn bị cho 3 tình huống dịch bệnh xâm nhập, tỉnh đã chuẩn bị 2 khu cách ly tuyến tỉnh với 100 giường, 11 khu cách ly và điều trị tuyến mở rộng tại Bệnh viện Lao và 10 bệnh viện huyện.
Hiện tại, toàn tỉnh có thể huy động được khoảng 40 máy thở; 4 xe chuyên dụng, 20 xe cứu thương; 3 máy X-quang di động, 50 máy theo dõi bệnh nhân; 2.600 khẩu trang N95; 6.000 bộ trang phục phòng chống dịch; 2.000kg Cloramin B...
Cùng đó, tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố giảm quy mô tổ chức các lễ hội, giảm các hoạt động tập trung đông người; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông, truyền thông trực tiếp, treo dán ápphích, poster…/.