Các tỉnh, thành phía Nam nỗ lực cao độ để đẩy lùi dịch bệnh

Xác định rõ giải pháp, các địa phương đang nỗ lực cao độ nhằm nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của dịch, người dân đồng sức đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi COVID-19.
Thành phố Thủ Dầu Một triển khai mở rộng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân toàn. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)
Thành phố Thủ Dầu Một triển khai mở rộng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân toàn. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, từ 0 giờ ngày 19/7, ngoài 3 tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ  là Thành phố Hồ Chí Minh, hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thì thêm 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị này trong thời gian 14 ngày.

Xác định rõ giải pháp, các địa phương đang nỗ lực cao độ nhằm nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của dịch, người dân đồng sức đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi COVID-19.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp

Theo ghi nhận của các phóng viên TTXVN tại nhiều địa phương phía Nam, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 các giải pháp đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cận kề Thành phố Hồ Chí Minh và hiện là tâm dịch của cả nước, Bình Dương xác định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 là “thời gian vàng” để quyết liệt dập dịch COVID-19, thực hiện "mục tiêu kép," vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, hiện trên địa bàn tỉnh dịch bùng phát rất nghiêm trọng, các ca bệnh xuất hiện ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố và tại nhiều khu, cụm công nghiệp.

Do đó, lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết và cấp bách như mua lương thực, thực phẩm, thuốc, cấp cứu. Những ai cần làm việc tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu thì phải có thẻ nhân viên hoặc giấy chứng minh nơi làm việc.

Hiện nay, trên 600 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bình Dương đã đăng ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ). Chính quyền địa phương đang triển khai việc xét nghiệm trên diện rộng và tổ chức xét nghiệm nhanh để trong thời gian ngắn nhất có thể đảm bảo các “vùng sạch, vùng xanh” an toàn COVID-19, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất trở lại.

Tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao, nguy cơ cao, tỉnh thực hiện sàng lọc trong cộng đồng theo quy định của Bộ Y tế, khẩn trương đưa những vùng nguy hiểm này sớm trở lại bình thường.

Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng yêu cầu, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của siêu thị luôn ở mức khoảng 685,5 tỷ đồng đối với 11 siêu thị tham gia phục vụ, đảm bảo cung cấp khoảng 7.500 tấn thịt lợn/tháng, 3.750 tấn thịt gia cầm/tháng và khoảng 40 triệu quả trứng gia cầm/tháng. Bình Dương thực hiện bình ổn thị trường rau, củ, quả các loại từ việc kết nối cung cầu với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu tận dụng "14 ngày vàng" để đưa địa phương trở lại "vùng xanh" an toàn. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16, các địa phương trong tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông đối với người lao động, yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bố trí “3 tại chỗ” cho người lao động và “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi trên một phương tiện giao thông, cùng nghỉ tại một địa điểm). 

[Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu không được từ chối các ca F0]

Nếu không tổ chức được “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp cần tổ chức xe ô tô đưa đón cán bộ, công nhân đi, về, không để người lao động đi bộ hay sử dụng xe hai bánh đi làm nhằm đề phòng lây lan dịch bệnh và tạo thuận lợi trong kiểm soát, truy vết dịch bệnh nếu xuất hiện yếu tố dịch tễ.

Các tỉnh, thành phía Nam nỗ lực cao độ để đẩy lùi dịch bệnh ảnh 1Lực lượng chức năng Tp.Vũng Tàu kiểm tra sự tuân thủ công tác phòng dịch người dân trên tuyến giao thông. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau - mảnh đất địa đầu phía Nam đất nước, đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, trong 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cơ quan, công sở các cấp trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các công ty, nhà máy sử dụng lượng lớn người lao động tổ chức cho công nhân, người lao động làm việc giãn cách, thực hiện “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch.

Tính đến hết ngày 19/7, Cà Mau đã ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19. Do đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh kiên quyết không để xảy ra tình trạng ‘‘ngoài chặt, trong lỏng’’ khi thực hiện các nội dung của Chỉ thị 16 theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Đồng lòng để cuộc sống sớm trở về trạng thái bình thường mới

Ghi nhận của các phóng viên TTXVN trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy, đại đa số người dân đã nhận thức rõ sự cần thiết, tính cấp bách của việc tuân thủ nghiêm nội dung quy định trong Chỉ thị này.

Người dân bày tỏ sự tin tưởng, đồng thuận với các biện pháp mà Đảng, Nhà nước, chính quyền ở địa phương đang quyết liệt triển khai để khống chế dịch bệnh. Cuộc sống trong những ngày giãn cách có xáo trộn, khó khăn nhất định song người dân sẵn sàng chia sẻ, thực hiện.

Anh Nguyễn Mạnh Toàn, công nhân một nhà máy sản xuất thép tấm lá ở Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chia sẻ, anh và các đồng nghiệp sau giờ sản xuất đều ăn, ở tại trụ sở nhà máy.

Vợ anh cũng làm việc tại nhà máy, con còn nhỏ nên vợ chồng anh Toàn đã quyết định, trong thời gian này anh ăn, ở tại nhà máy còn chị tạm thời xin nghỉ phép để tập trung chăm sóc con.

Cuộc sống gia đình có đảo lộn song theo anh Toàn, thu nhập của công nhân vẫn được đảm bảo, nơi ăn, chỗ ở của người lao động được bố trí trí hợp lý nên anh yên tâm làm việc.

Các tỉnh, thành phía Nam nỗ lực cao độ để đẩy lùi dịch bệnh ảnh 2Các tuyến đường ở Bến Tre vắng lặng do người dân không ra khỏi nhà. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Tại tỉnh Bến Tre, anh Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty du lịch và truyền thông C2T, cho biết, anh và các nhân viên trong công ty chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội, tích cực đóng góp, hỗ trợ gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Anh và người lao động trong công ty tin rằng với các giải pháp quyết liệt, khẩn trương, đất nước sẽ sớm đẩy lùi được dịch COVID-19 để cuộc sống trở lại như trước kia.

Còn từ Cà Mau, anh Từ Văn Nguyễn, Trưởng Ấp 5, xã An Xuyên (thành phố Cà Mau), thông tin, thời gian qua, trên địa bàn xã đã có trường hợp mắc COVID-19 nên người dân rất hiểu và đồng lòng thực hiện việc giãn cách. Người dân chỉ đi ra khỏi nhà khi mua lương thực, thực phẩm, thuốc và thực hiện biện pháp phòng bệnh như, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục