Cải cách thủ tục để giải phóng "tồn kho" bất động sản

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính rườm rà là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn kho bất động sản.
Cải cách thủ tục để giải phóng "tồn kho" bất động sản ảnh 1(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 10/4, nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính rườm rà là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn kho bất động sản.

Do đó, cải cách thủ tục hành chính là vấn đề cấp thiết để giúp thị trường nhà đất phát triển đúng hướng và lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thủ tục hành chính có mối quan hệ chặt chẽ với nợ xấu và hàng tồn kho. Tình trạng đã và đang xảy ra là có thể 5 đến 7 năm chưa làm xong công tác đền bù cho một dự án. Chính thủ tục nhiêu khê, rườm rà đã khiến không ít hội viên của Hiệp hội phải trả lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

"Thành phố cần giải quyết thủ tục nhanh chóng để dự án được triển khai đúng tiến độ, doanh nghiệp giảm bớt chi phí, có như vậy thì giá thành sản phẩm bán ra mới hợp lý, có người mua, không bị tồn kho," bà Loan nói.

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, công ty đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để làm dự án tại huyện Nhà Bè. Khi hoàn thành xong thành phần này của dự án thì thành phần kia lại bị quá hạn theo yêu cầu của một số sở ngành thành phố nên công ty buộc phải làm lại từ đầu, vừa mất thời gian vừa khiến doanh nghiệp phải trả lãi tiền vay hàng tỷ đồng.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết công ty đã đầu tư 330 tỷ đồng làm dự án vào năm 2010, nhưng đến nay vẫn dự án vẫn "giậm chân tại chỗ" do chưa được thành phố chấp thuận đầu tư.

Theo ông Trần Văn Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tháp Mười, dự án do công ty triển khai đã bị cơ quan Nhà nước cấp phòng “ngâm” hồ sơ nên chậm trễ 3-5 năm. Hệ lụy là lãi sinh lãi, doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng trả lãi suất trong khi dự án chưa có giấy tờ pháp lý đầy đủ nên chưa thể kêu gọi đầu tư.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Căn nhà mơ ước đề nghị thành phố thành lập ban chuyên đề để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch treo, từng làm khổ người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành thành phố phải lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp để vừa thực hiện cải cách thủ tục cũng như tham mưu cho Ủy ban Nhân dân đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.