Năm 2019 đánh dấu năm thứ 7 Bộ Y tế triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (Bộ 83 tiêu chí). Nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019, Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện.
Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Trưởng đoàn Kiểm tra số 1 về sự thay đổi về chất và lượng của các bệnh viện trong cả nước.
-Thưa phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai Bộ 83 tiêu chí tại các bệnh viện hiện nay?
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Có thể nói trong 7 năm qua, Bộ 83 tiêu chí đã trở nên quen thuộc với hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam. Từ chỗ nhận được những ý kiến trái chiều là Bộ tiêu chí “mơ hồ,” “xa thực tiễn”... đến nay hầu hết các bệnh viện đều hưởng ứng và coi bộ 83 tiêu chí như kim chỉ nam trong hoạt động bệnh viện.
Các bệnh viện tích cực triển khai áp dụng Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức. Bộ mặt chung của nhiều bệnh viện đã thay đổi, chỉ dẫn, đón tiếp tốt hơn, môi trường bệnh viện đang xanh hơn, nhà vệ sinh, cảnh quan sạch hơn, đẹp hơn. Chất lượng lâm sàng, cận lâm sàng đang dần được nâng lên.
Các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh; khoảng 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hưởng giảm chuyển tuyến. Nhiều bệnh viện thực hiện thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực ghép tạng đã thực hiện các kỹ thuật ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc… mang tính thường quy.
Trong thời gian gần đây, cơ sở vật chất, hạ tầng của nhiều bệnh viện ngày càng mở rộng và nâng cấp. Nhiều khối nhà thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đã đưa vào sử dụng. Giường bệnh, buồng bệnh, các tiện ích phục vụ người bệnh... được đầu tư ngày càng tốt hơn theo yêu cầu của Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện.
Đề án bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp và chủ trương đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh bệnh viện được triển khai hiệu quả ở nhiều nơi đã góp phần thay đổi hẳn bộ mặt bệnh viện.
Một số bệnh viện tư nhân và khoa yêu cầu của bệnh viện công lập được đầu tư đồng bộ, thiết kế hiện đại đã đạt tới tiêu chuẩn quốc tế. Cả nước đã có 4 bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của JCI, Hoa Kỳ (Joint Commission International).
- Việc đánh giá cải tiến chất lượng bệnh viện đóng vai trò như thế nào trong xu hướng phát triển ngành y tế hiện nay, thưa ông?
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Đánh giá chất lượng bệnh viện đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn đối với người bệnh. Chất lượng bệnh viện là căn cứ tính giá viện phí và là lựa chọn của các hãng bảo hiểm.
Việc đánh giá những mặt đạt được và những điều còn hạn chế sẽ giúp bệnh viện hoàn thiện hơn nữa để phục vụ người bệnh tốt hơn. Bộ 83 tiêu chí đã tiệm cận những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của thế giới.
Các bệnh viện sử dụng Bộ tiêu chí như một công cụ đo lường, “tấm gương” để so sánh liên tục thực trạng chất lượng đang ở vị trí nào và những việc đã làm được; không chạy theo thành tích, tự xếp ở mức chất lượng cao hoặc cao hơn thực tế hiện có mà ít quan tâm đến những việc chưa làm được để cải tiến chất lượng.
Nếu áp dụng sai quan điểm, mục đích của Bộ tiêu chí sẽ không xác định được thực trạng chất lượng, không biết điểm mạnh, yếu ở đâu; dẫn đến hệ quả không xác định được hoặc xác định sai vấn đề cần ưu tiên để cải tiến chất lượng.
Về mặt lâu dài, chất lượng bệnh viện sẽ ngày càng giảm đi, người bệnh đến ngày càng ít hơn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của bệnh viện.
- Xin ông cho biết những kết quả ban đầu của việc kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019?
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Qua đánh giá các bệnh viện cho thấy, các bệnh viện đã thực sự quan tâm đến chất lượng bệnh viện và có sự ganh đua quyết liệt về chất lượng.
Các bệnh viện đã quan tâm nhiều đến các tiêu chí hướng đến người bệnh như về cảnh quan; quy trình khám, chữa bệnh; chỉ dẫn người bệnh; quyền riêng tư người bệnh; sự đáp ứng của công tác chăm sóc và điều trị... Mỗi bệnh viện có những cải tiến chất lượng khác nhau.
Tuy nhiên, một số bệnh viện còn hạn chế trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ghi chép hồ sơ bệnh án; ứng dụng công nghệ thông tin; công tác dinh dưỡng... Một số bệnh viện còn tình trạng quá tải, cơ sở vật chất nhỏ hẹp khiến cho công tác cải tiến chất lượng bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Một số vấn đề đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở nhưng chưa được các bệnh viện khắc phục triệt để như chiều cao lan can thấp, an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ…
Một số Sở Y tế đánh giá các đơn vị trực thuộc ở mức rất cao, trên “4 sao”. Nếu thực sự các bệnh viện đạt được như vậy sẽ rất tốt, nhưng nếu không đúng sẽ ảnh hưởng đến chính bệnh viện và người bệnh.
Chúng tôi luôn nhắc nhở các bệnh viện rằng, làm chất lượng là làm cho chính mình, cho sự tồn tại của chính mình chứ không phải thành tích. Văn hóa chất lượng phải được xây dựng và duy trì, chất lượng bệnh viện phải được bắt đầu từ người bảo vệ đến người giám đốc, càng quan tâm cải tiến từ những việc nhỏ nhất sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng bệnh viện.
-Xin ông cho biết những đổi mới trong công tác đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2020?
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Năm 2020, chúng tôi sẽ bổ sung một số tiêu chí mới về bệnh truyền nhiễm, kháng kháng sinh, điều dưỡng... Đồng thời phối hợp với Hội chuyên ngành đánh giá những kết quả và tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí để trở thành công cụ gắn với giá dịch vụ y tế, cũng như gắn kết chất lượng với xếp hạng bệnh viện, với bảo hiểm y tế, với sự giám sát của người dân, cộng đồng và cơ quan thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tiêu chí chất lượng bệnh viện sẽ được gắn với các danh hiệu xếp loại thi đua, khen thưởng của đơn vị.
Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý chất lượng và đơn vị đánh giá chất lượng bệnh viện độc lập, tiến tới có các tổ chức khác nhau cùng đánh giá chất lượng, hội nhập quốc tế.
-Trân trọng cảm ơn ông!./.