Ngày 29/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và một số trường đào tạo chuyên ngành y tế về đổi mới công tác đào tạo nhân lực ngành y tế.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nhận định, công tác đào tạo cũng như chất lượng nhân lực ngành y đang là vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay.
Nhiều trường y mở về sau chất lượng đào tạo chưa tốt, quy định 18 tháng học sinh học xong đi thực tập để có chứng chỉ hành nghề nhưng thực tế lại không được đi, học sinh học xong xin việc rất khó.
Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là cơ sở quan trọng để mổ xẻ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hiện nay, trong đó có vấn đề mô hình đào tạo bác sỹ.
Trên cơ sở phân tích mô hình giáo dục y khoa trong nước hiện nay, so sánh với một số mô hình của các nước, các đại biểu cho rằng, giáo dục y khoa chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, vai trò của nhà nước và các bên liên quan trong quản trị hệ thống và nhân lực, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực ngành y tế là cần thiết, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực và hướng tới hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhiều phương án đã được Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y, dược đưa ra bàn thảo tại cuộc họp.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Võ Tấn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải phân định rõ hướng đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu y khoa và đội ngũ bác sỹ trực tiếp khám chữa bệnh.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành y tế, sau khi được đào tạo 6 năm, cần cho học chuyên khoa ngay. Người sau khi học chuyên khoa được quyền khám chữa bệnh.
Đào tạo chuyên khoa phải gắn chặt với thực hành, phải thiết kế chương trình cho phù hợp, nối chương trình thực tập lấy chứng chỉ nghề 18 tháng với chương trình chuyên khoa. Trong chương trình chuyên khoa phải có bộ công cụ đánh giá chương trình và năng lực của người tốt nghiệp.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đổi mới công tác đào tạo nhân lực ngành y tế nhằm giải quyết căn bản vấn đề chất lượng nhân lực y tế, khắc phục bất cập “thừa rất nhiều người có bằng bác sỹ nhưng rất thiếu bác sỹ thực sự”.
Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải thống nhất nguyên lý, xác định rõ yêu cầu đối với từng bậc đào tạo y khoa làm cơ sở thiết kế mô hình đào tạo y tế ở Việt Nam, tiếp cận những mô hình thế giới đang nghiên cứu, đang thay đổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để xác định yêu cầu kiến thức đối với bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ y khoa. Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn kiến thức đối với bác sỹ chuyên khoa, thời gian đào tạo đối với từng bậc học.
Hai Bộ khẩn trương ban hành ngay các thông tư, văn bản giải quyết triệt để việc mở ngành, mở nghề, đào tạo liên thông trong y tế, siết lại chất lượng đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu trước mắt cần phải làm ngay là chỉ định các bệnh viện làm đối tác cho các trường đào tạo y bác sỹ, ngành y; cần dứt khoát khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc đào tạo bác sỹ, tinh thần là trong quá trình học, nếu các sinh viên sau một thời gian không theo được chương trình đào tạo thì tạo điều kiện cho học liên thông sang một trường đại học hoặc ngành khác.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra, thanh tra một loạt trường y để đảm bảo chất lượng đào tạo. Riêng về chế độ cử tuyển đặc thù cho đồng bào dân tộc, miền núi, cần chú ý có chương trình phù hợp, tính kỹ yếu tố thời gian, việc đào tạo phải bài bản rạch ròi, đảm bảo sau 18 tháng thực tập, sinh viên khi ra trường có thể khám chữa bệnh được ngay./.