Nhiều người dân khi cảm, sốt, ho, sổ mũi… thường tự ra cửa hàng mua thuốc kháng sinh về uống. Mặc dù không có toa thuốc do bác sỹ kê nhưng khi người bệnh tới mua, các cửa hàng thuốc Tây vẫn bán.
Điều đáng nói là việc mua, bán thuốc không theo đơn của bác sỹ đang gây ra nhiều hệ lụy như tính mạng người bệnh bị đe dọa, việc điều trị kéo dài và tốn kém, hình thành những bệnh dịch do kháng thuốc kháng sinh.
Tùy tiện làm... bác sỹ
Kết quả khảo sát gần đây do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phối hợp thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới chín người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn bác sỹ. Riêng lượng thuốc kháng sinh đã chiếm tới 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày. Khi bị sốt, người bệnh nghĩ đó là do nhiễm trùng nên chỉ cần uống kháng sinh là có thể khỏi bệnh. Cho nên, người bệnh tự đoán bệnh và tự đi mua thuốc uống.
Chị Lâm Thị Hiền (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết mỗi lần sốt hay thấy chóng mặt, chị hay ra cửa hàng thuốc tây gần nhà để mua thuốc uống. Chỉ cần nói sơ qua triệu chứng tôi đã có thuốc uống, hoặc khi tôi yêu cầu nhân viên bán loại thuốc mình từng uống họ vẫn bán. Chỉ khi nào uống thuốc vài ngày mà không thấy giảm bệnh, tôi mới tới phòng khám hay vào bệnh viện.
Theo quy định của Bộ Y tế, các cửa hàng thuốc tư nhân chỉ được bán thuốc trong danh mục kê đơn của Bộ Y tế khi có đơn của bác sỹ. Nhưng vì lợi nhuận, hầu hết các cửa hàng thuốc đều không tuân theo quy định này.
Trong vai người mua thuốc, chúng tôi dễ dàng mua những loại thuốc kháng sinh nằm trong danh mục phải kê đơn như Zinnat, Augmentin, Cefaclor, Cefixim, Ciproflo…
Tại cửa hàng thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, khi chúng tôi đến hỏi loại kháng sinh Zinnat, nhân viên cửa hàng không ngần ngại đưa ra bán. Không cần hỏi chúng tôi bị bệnh gì nhân viên này đã hỏi chúng tôi muốn uống bao nhiêu ngày và chỉ hướng dẫn chúng tôi cách uống. Khi chúng tôi hỏi ngoài loại này ra còn loại nào dùng cho trẻ dưới 16 tháng tuổi không, nhân viên cửa hàng lại đưa ra một số thuốc kháng sinh khác trong đó có loại Medxil 100MG. Khi hỏi về cách dùng, nhân viên cửa hàng mở tờ hướng dẫn ghi trong hộp thuốc ra và bảo chúng tôi đọc.
Tại một cửa hàng thuốc tây khác, chúng tôi hỏi mua kháng sinh Augmentin dành cho trẻ nhỏ. Khi được cho biết, trước đây trẻ từng uống một loại thuốc kháng sinh khác, nhân viên cửa hàng nói không sao và hướng dẫn cho trẻ uống thêm men tiêu hóa vì uống loại kháng sinh này có thể bị tiêu chảy. Khi chúng tôi yêu cầu chỉ mua hai gói uống trong một ngày xem trẻ có phản ứng gì không rồi mới mua thêm thuốc, nhân viên này vẫn đồng ý bán.
Hậu quả nghiêm trọng
Mua thuốc tùy tiện, uống thuốc tùy tiện khiến cho việc kháng thuốc kháng sinh trong cộng đồng đang diễn ra rất nhanh, để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả người bệnh và xã hội.
Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Bùi - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ thực tế không có một kháng sinh nào diệt được tất cả các vi khuẩn. Chẳng hạn, kháng sinh chỉ diệt được một số vi trùng gây nhiễm trùng chứ không có tác dụng với những trường hợp nhiễm siêu vi, nấm, hay các con vi khuẩn đặc hiệu. Hơn nữa, kháng sinh chỉ có tác dụng với nhiều điều kiện kèm theo như phải sử dụng đúng thuốc cho đúng loại vi khuẩn, phải chú ý đến liều lượng thuốc, uống thuốc vào thời gian nào là phù hợp, người bị gan, thận phải sử dụng thuốc kháng sinh nào phù hợp.
Khi uống thuốc kháng sinh sẽ có hai kết quả, thứ nhất diệt được vi trùng gây bệnh; thứ hai khi không diệt được vi trùng sẽ kháng thuốc trở nên mạnh hơn. Tôi từng gặp nhiều trường hợp người bệnh bị hô hấp, nhiễm trùng tiểu đã bị kháng thuốc do dùng nhiều loại kháng sinh tùy tiện ở nhà, đến lúc vào bệnh viện thì không thể cứu chữa được.
Theo các bác sỹ, khi bệnh nhân đã bị kháng thuốc, bác sỹ sẽ phải đổi sang một loại thuốc khác, do đó thời gian điều trị sẽ dài hơn, thuốc phải tăng liều, chi phí điều trị có thể tăng lên từ 10-20 lần. Ngoài ra, ngay từ đầu bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng sinh liều mạnh để chữa bệnh nhưng bị kháng thuốc thì lần sau dù có sử dụng đúng kháng sinh cho đúng loại vi khuẩn gây bệnh vẫn không thể chữa được cho bệnh nhân. Khi đó, nếu là bệnh dễ lây lan sẽ tạo nên một đại dịch cho cộng đồng. Đây là điều vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Cần siết chặt quản lý
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam là một trong những nước bán thuốc khá tự do. Do vậy, để hạn chế tình trạng người dân tự ý mua thuốc chữa bệnh và cửa hàng thuốc tự bán thuốc thuộc danh mục kê đơn thì phải siết chặt việc quản lý các cửa hàng thuốc.
Theo bác sỹ Phạm Văn Bùi, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vì các cửa hàng thuốc Tây vẫn bán thuốc dù không có đơn của bác sỹ nên người dân mới tự ý mua thuốc. Do vậy, cốt lõi nhất là phải quản lý thật chặt các cửa hàng thuốc tây; phải quy định rõ những gì cửa hàng thuốc tây được phép bán và không được phép bán. Thật ra chúng ta cũng đã có những quy định đó từ rất lâu nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để và thiếu cán bộ chuyên trách để kiểm tra các cửa hàng thuốc.
Anh N.T.K, quản lý một chuỗi hệ thống bán thuốc lẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trên thực tế, để "câu khách" một số cửa hàng thuốc Tây không cần có đơn thuốc vẫn sẵn sàng bán cho bệnh nhân. Do đó, để giảm thiểu được mức độ nguy hiểm cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc, cần có những khóa huấn luyện về chuyên môn cho nhân viên bán thuốc. Đồng thời, mỗi cửa hàng thuốc phải có một dược sỹ để sẵn sàng tư vấn cho bệnh nhân về cách sử dụng thuốc. Dược sỹ còn phải có trách nhiệm kiểm tra lại những đơn thuốc của bác sỹ đã kê đơn chính xác chưa và nếu cần có thể liên hệ với bác sỹ kê đơn khi đơn thuốc đó chưa chính xác. Để làm được điều này thì cần phải xây dựng một chương trình chuẩn cho các cửa hàng thuốc./.