Cần sớm có kết luận nguyên nhân sự cố tụt cáp cầu treo ở Sơn La

Các đơn vị chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân sự cố tụt dây cáp tại cây cầu treo ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Cần sớm có kết luận nguyên nhân sự cố tụt cáp cầu treo ở Sơn La ảnh 1Cây cầu treo Hải Sơn ở xã Chiềng Khoong bị tuột cáp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Sự cố tụt dây cáp tại cây cầu treo ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng. Hiện các đơn vị liên quan đang khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc. Bước đầu cho thấy, nguyên nhân của sự cố này liên quan đến một số đơn vị ở cấp huyện, tỉnh.

Không chú trọng bảo dưỡng

Sự cố tụt dây cáp cầu treo bản Hải Sơn xảy ra vào ngày 11/8/2018 sau khi xe container cao khoảng 4,4m đi qua và vướng vào dây cáp chủ. Lúc đó, phương tiện này đang đi đúng chiều nhưng gặp một xe phía trước nên vượt bên trái. Khi đó, xe đã lấn sang vùng thấp của dây cáp chủ phía hạ lưu, tạo thành lực xung kích dẫn đến tụt dây cáp.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La, việc xe container va chạm với dây cáp chủ đã tác động thêm vào, chứ không phải nguyên nhân chính gây ra sự cố tụt dây cáp. Vì sau khi va đập vào cáp chủ phương tiện vẫn lướt qua ở phần thùng hàng.

Tại hiện trường vụ việc, theo phóng viên quan sát, hệ thống cóc cáp hay còn gọi là khóa cáp để cố định đầu cáp xỏ qua móc treo vẫn còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng hay bung ra.


[Sơn La: Cầu treo tuột cáp, hàng nghìn người dân đứng ngồi không yên]

Trước vấn đề này, ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La, đơn vị được tỉnh Sơn La giao chủ trì xác minh vụ việc cho biết, sự cố vừa qua tại cầu treo bản Hải Sơn không phải đứt cáp.

Ở đây, dây cáp chủ được liên kết với hố neo thông qua hệ thống puly (ròng rọc) và bắt bởi hơn 10 cái cóc. Tuy nhiên, sau sự cố, toàn bộ cóc cáp này không vỡ hay bị phá hỏng mà dây cáp đã tụt qua.

Qua đó, ngành Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đánh giá nguyên nhân bước đầu là do lâu ngày không bảo dưỡng, hệ thống cóc đã không được siết lại. Cụ thể, cấu trúc của cáp chủ có lõi được gọi là thừng tẩm dầu nhằm giữ cho cáp luôn duy trì độ ẩm, tránh tình trạng bị ăn mòn.

Quá trình khai thác lâu ngày lõi tẩm dầu này đã co ngót đi, lúc đó cáp không giữ được đường kính ban đầu nên cóc bắt cáp lỏng ra và không giữ được liên kết. Ngoài ra, khi có tác động của lực xung kích do phương tiện va quệt vào đã dẫn tới tụt cáp.

Sửa chữa cầu chưa đúng quy định

Cầu treo Hải Sơn có chiều dài hơn 100m, được Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã đầu tư xây dựng năm 1997 và thực hiện sửa chữa nâng cấp cuối năm 2017.

Chủ đầu tư thực hiện sửa chữa, nâng cấp công trình là phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sông Mã, đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư giao thông Sơn La. Các hạng mục trong lần nâng cấp, sửa chữa này gồm thay hệ mặt cầu bằng thép và xây dựng các dây neo chống dao động cho cầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã Cầm Thị Ngọc Yến cho biết, việc thực hiện sửa chữa, nâng cấp cây cầu này đều có chủ trương, tư vấn khảo sát, đánh giá và kiểm tra hiện trường. Sau khi thi công có tư vấn và các cơ quan liên quan kiểm tra.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La, việc phân cấp quản lý chất lượng công trình này thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến khi xảy ra sự cố ngành mới biết sự việc năm 2017 huyện Sông Mã có sửa chữa, nâng cấp cầu.

Nếu đánh giá tổng thể, cây cầu này thi công năm 1997 đang thực hiện theo tiêu chuẩn cũ. Tuy nhiên, ở thời điểm thực hiện sửa chữa, Bộ Giao thông Vận tải đã áp dụng tiêu chuẩn mới trong việc xây dựng cầu dân sinh với các yêu cầu cao hơn.

Nếu theo tiêu chuẩn mới của Bộ Giao thông vận tải, những sự cố như thế này khó xảy ra. Vì đối với cầu treo trên 100m theo quy chuẩn mới phải có 3 sợi dây cáp chủ, nếu có sự cố một sợi thì vẫn còn hai sợi.

Rõ ràng đối chiếu với tiêu chuẩn mới, cầu Hải Sơn không thể đạt được yêu cầu. Nếu xin chủ trương của tỉnh lúc sửa chữa nâng cấp ngành sẽ có những ý kiến về việc này. Tuy nhiên, huyện đã không xin ý kiến về việc đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La Trịnh Xuân Hùng cho biết.

Cũng theo người đứng đầu ngành Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, đối với một công trình cầu treo vấn đề “sống còn” là hệ thống cổng cầu, cáp chủ và hố neo.

Tuy nhiên, khi sửa chữa, nâng cấp huyện Sông Mã không chú tâm vào việc này. Huyện Sông Mã nghĩ rất đơn giản cây cầu này hư hỏng thường xuyên là ở hệ thống mặt cầu. Thấy hư hỏng như vậy nên có chủ trương sửa chữa lại mặt cầu. Huyện Sông Mã cũng có thuê tư vấn, tự thẩm định lại rồi phê duyệt và triển khai.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết, vừa qua huyện đã đề nghị đoàn công tác của tỉnh Sơn La vào làm việc. Hiện nay, tỉnh Sơn La đã thành lập tổ công tác để xác minh nguyên nhân và hướng xử lý. Hiện tất cả mọi vấn đề phải chờ tổ công tác của tỉnh xác minh, khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin.

Bài học với ngành Giao thông vận tải

Theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải, phạm vi bảo vệ trên không của đường bộ hiện nay tối thiểu là 4,75m. Tuy nhiên, chiếc xe container gây ra sự cố tụt cáp cầu treo ở Sơn La có chiều cao tính từ mặt đất đến điểm cao nhất chỉ là 4,4m.

Nguyên nhân của vấn đề này, do tuyến đường trước đây là tỉnh lộ 105, sau đó được nâng cấp thành Quốc lộ 4G. Lúc này, cốt đường đã được nâng lên. Nhưng cáp chủ của cầu treo Hải Sơn có thiết kế chạy ngang qua đường quốc lộ vẫn giữ nguyên.

Vì thế, khoảng không để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông là chưa đủ. Các đơn vị chức năng đã kiểm tra độ cao cáp tại vị trí mép mặt đường nhựa phần xe chạy là khoảng 4m, phần lề chỉ đạt khoảng 3,8m.

Ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, lỗi của ngành Giao thông vận tải là khi tuần tra, kiểm soát tuyến Quốc lộ 4G đã không phát hiện ra việc không có biển cảnh báo khoảng không giới hạn tại vị trí dây cáp treo cắt qua. Do đó, các phương tiện không nhận biết được.

Sau sự cố này, ngành sẽ xác định lại vị trí các công trình giao cắt tồn tại từ trước đến nay để đánh giá tình trạng vi phạm khoảng không. Từ đó, đảm bảo an toàn cho các phương tiện và công trình khác.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và huyện Sông Mã giám định sự cố công trình này trong quá trình khai thác sử dụng. Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện lại quá trình duy tu bảo dưỡng hàng năm, việc khai thác, sử dụng để tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục